Xảy ra nhiều vụ ngộ độc, đại biểu Quốc hội đề nghị quản lý chặt chẽ thức ăn đường phố

18:35 - Thứ Tư, 29/05/2024 Lượt xem: 4289 In bài viết

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, trước tình trạng các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra trên quy mô rộng và loại hình đa dạng như hiện nay, dư luận đang đặt ra câu hỏi về quy trình quản lý, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 29/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Khoảng trống trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Quan tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nêu số liệu, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ với 835 người bị ngộ độc (03 người tử vong). "Số liệu trên chưa tính 2 ca đại ngộ độc trong tháng 5 lên đến hơn 1000 người ngộ độc từ bánh mì Băng và bếp ăn tập thể Shiwon tại Vĩnh Phúc” – đại biểu nói. 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) phát biểu.

Trước tình trạng các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra trên quy mô rộng và loại hình đa dạng như hiện nay, dư luận đang đặt ra câu hỏi về quy trình quản lý, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhấn mạnh điều này, đại biểu phân tích, thức ăn đường phố tại Việt Nam mang lại sự tiện dụng cho người Việt, phù hợp với túi tiền của nhiều người và nhiều quán ăn, xe đẩy sở hữu những công thức tạo ra món ngon hơn cả các nhà hàng nổi tiếng. Và có đến 5 món ăn Việt Nam được lọt vào danh sách top 100 món ăn đường phố hấp dẫn nhất châu Á.

Tuy vậy, xét về quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, hầu hết các cơ sở này đều dính sai phạm. Điển hình như cơm gà Trâm Anh (Khánh Hòa), bánh mì Phượng (Hội An) dù có chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng những cơ sở mà họ nhập nguyên liệu vẫn không thể đảm bảo truy xuất hết nguồn gốc thực phẩm, bản thân các cơ sở này không lưu mẫu để kiểm định khi cần. 

Đại biểu chỉ rõ, theo Nghị định 15/2018 của Chính phủ, đối tượng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đáng chú ý là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, bếp ăn tập thể không đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố… mà thuộc đối tượng quản lý của ngành công thương. 

Từ đó, đại biểu đặt câu hỏi, việc quản lý của ngành công thương có hiệu quả? khi mà mỗi ngày, có hàng triệu xe kinh doanh thức ăn, đồ uống lưu động, bếp ăn tập thể cho công nhân, học sinh ngày càng phổ biến? Ngay cả việc có được quản lý bằng các giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, khi vi phạm, ngoài việc đình chỉ hoạt động thì sau khi tiếp tục được kinh doanh, liệu các cơ sở này có đưa ra được quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh hơn? Hay thậm chí, họ sẵn sàng từ bỏ thương hiệu rồi lập ra cơ sở mới? 

"Dễ dàng nhận thấy khoảng trống trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân, du khách; là một nước có mặt hàng xuất khẩu chính là thực phẩm, uy tín của Việt Nam đối với các đối tác kinh doanh trên thế giới ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng khi mức độ nhiễm bẩn thực phẩm gia tăng" - đại biểu nhận định. 

Chính vì thế, đại biểu cho rằng, rà soát lại quy trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới là việc làm cần thiết. Đồng thời đề nghị tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đường phố. Theo đó, rà soát và nâng mức xử phạt đối với sai phạm trong hoạt động kinh doanh vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo chế tài đủ mạnh để răn đe; Tập trung đầu tư nguồn lực trong đó quan tâm đến nguồn nhân lực cho hoạt động này.

Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kịp thời xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chất lượng cung cấp của từng cơ sở bán hàng lưu động, đường phố… Việc này sẽ tạo thuận lợi cho cả người mua trong việc truy xuất, giám sát nguồn gốc, báo cáo cho cơ quan chức năng, vừa tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc xử lý sai phạm.

Cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng

Quang cảnh phiên họp chiều 29/5.

Nêu ý kiến, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo chuyển biến rõ nét sức cầu tiêu dùng, cả chi tiêu công hợp lý và tiêu dùng tư nhân. Theo đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh kiến nghị 03 giải pháp cần tập trung thực hiện. 

Trước hết, theo đại biểu, hiện nay các chỉ tiêu an toàn nợ công ở mức thấp và an toàn. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sớm xem xét các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp và người dân tương tự như năm 2023, trong đó có việc giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024, giảm phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước vừa là kích cầu tiêu dùng, vừa tăng doanh thu bán hàng, qua đó tăng thu thuế. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu và đào tạo phục vụ sản xuất chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng.

Đối với các cấu phần có tỷ lệ giải ngân thấp trong chương trình phục hồi nên sớm nghiên cứu có phương án cụ thể để điều chuyển các cấu phần còn lại này sang hỗ trợ doanh nghiệp địa phương chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, sản xuất chip, phát triển thị trường tín chỉ carbon, nhà ở xã hội, phát triển du lịch bền vững.

Cùng với đó, có chính sách, giải pháp kích cầu tín dụng tiêu dùng một cách hợp lý để vừa kích cầu tiêu dùng cá nhân, vừa giảm tín dụng đen.

Vấn đề thứ hai được đại biểu kiến nghị là quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích cầu đầu tư tư nhân, tăng niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam để có bước đột phá. Cùng với đó, nên nghiên cứu đề xuất luật hóa việc bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm đổi mới sáng tạo vì cái chung.

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh mong Chính phủ có đánh giá cụ thể hơn về tình hình doanh nghiệp khi mà 4 tháng đầu năm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại nhiều hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường để có giải pháp ứng phó phù hợp, cải thiện thực chất số liệu này; Đánh giá về các chỉ số như đổi mới sáng tạo cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, quy mô chính xác của kinh tế số, kinh tế xanh để có quyết sách cải thiện mạnh mẽ, phù hợp hơn, tốt hơn.

Đại biểu cũng đề nghị phát huy vai trò của các đầu tàu kinh tế trong phát triển tiêu dùng. "Đây có lẽ là câu chuyện không mới song lại đang đặt ra cấp thiết trong bối cảnh một số động lực tăng trưởng hay các vùng kinh tế trọng điểm đang có mức tăng trưởng còn khiêm tốn, làm giảm vai trò và mức đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế" - đại biểu nhấn mạnh.

Vì vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến việc thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách liên kết vùng và cơ chế đặc thù theo các nghị quyết của Bộ Chính trị. Qua đó, phát huy tốt hơn vai trò các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn tiềm năng, tăng khả năng dẫn dắt, lan tỏa tới các vùng, địa bàn khác trong việc tiên phong phát triển tiêu dùng và đầu tư tư nhân.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top