Đề xuất giám sát về bảo vệ môi trường, nguồn nhân lực trong năm 2025

14:50 - Thứ Năm, 30/05/2024 Lượt xem: 4175 In bài viết

Sáng 30-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Quang cảnh phiên họp sáng 30-5. Ảnh: Thủy Nguyên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Trình bày tờ trình dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước. Đồng thời, năm 2025 cũng là năm cuối nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình. Ảnh: Thủy Nguyên.

Đối với giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ mười và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8-2025. Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.

Cụ thể như sau: Chuyên đề 1 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung); Chuyên đề 2 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung).

Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) phát biểu thảo luận. Ảnh: Thủy Nguyên.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao hoạt động giám sát chuyên đề năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) và đa số các đại biểu thống nhất đề nghị Quốc hội lựa chọn chuyên đề 1 để tiến hành giám sát tối cao, chuyên đề 2 giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát. Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc lựa chọn Quốc hội chuyên đề 1 để giám sát tối cao sẽ thể hiện sự đồng hành với Chính phủ trong thực thi chính sách pháp luật nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và mỗi người dân về bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhận định, chuyên đề 1 là vấn đề cần thiết giám sát tối cao bởi ô nhiễm môi trường là vấn đề "nóng" đang được cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, đồng thời việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thủy Nguyên.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, đề xuất Quốc hội tiến hành giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 để rút ra những bài học kinh nghiệm; trên cơ sở đó Quốc hội và Chính phủ trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng kế hoạch, phương án mới về cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới. Còn đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) kiến nghị từ năm 2025 trở đi cần bổ sung báo cáo chuyên đề của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính để Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, giám sát.

Đề xuất tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên tăng thêm 1 giám sát chuyên đề trong năm 2025 liên quan đến kết quả việc thực hiện các chính sách đặc thù để xây dựng Luật sửa đổi về quản lý tài sản công và Luật sửa đổi về đầu tư công.

Tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) và đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị Quốc hội lựa chọn chuyên đề 2 để giám sát tối cao. “Nguồn nhân lực là gốc rễ của tất cả vấn đề…nếu chọn chuyên đề 1 mà không giải quyết rốt ráo vấn đề nhân lực, cán bộ thì cũng không có ý nghĩa”, đại biểu Lê Thanh Vân nói và đề nghị Quốc hội cần tiến hành tổng rà soát về công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, tạo sự chuyển biến căn bản cho cả hệ thống chính trị.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top