Đề xuất thí điểm chính sách “thị thực vàng” đối với người nước ngoài

16:37 - Thứ Sáu, 31/05/2024 Lượt xem: 4185 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (31/5), kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh nhất trí với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An bao gồm 14 chính sách với 4 nhóm lĩnh vực gồm: Quản lý tài chính - ngân sách; quản lý đầu tư; quản lý đô thị, tài nguyên rừng; tổ chức bộ máy và biên chế. Trong đó, 10 chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác và 4 chính sách mới.

Đại biểu Tạ Thị Yên nhất trí với những chính sách đã được thí điểm, áp dụng tại các địa phương khác, đồng thời bày tỏ băn khoăn đối với 3/4 chính sách mới thí điểm tại tỉnh Nghệ An. Cụ thể, chính sách cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn miền Tây Nghệ An (dự kiến khoảng 900 tỷ đồng/năm). Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc thêm chính sách này vì nhiều địa bàn vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là những nơi có điều kiện khó khăn tương tự hoặc khó khăn hơn nhưng chưa được hưởng.

Chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ nguồn các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, theo đại biểu cũng cần cân nhắc thêm.

“Nếu chỉ thu tiền thì có vẻ như quá đơn giản, trong lúc ngân sách khó khăn thì chưa chắc nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để trồng mới hay khôi phục rừng. Nếu chấp thuận chính sách này có lẽ nên có biện pháp chế tài mạnh mẽ kèm theo” - đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.

Đại biểu đồng tình với việc phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, ngoài phần vốn ngân sách nhà nước tăng khoảng 1,5 lần thì các nguồn vốn khác như ODA, FDI, vốn đầu tư của các doanh nghiệpvốn đầu tư khu vực dân cư đều tăng gần gấp 2 lần, cần cân nhắc, tính toán, giải trình thêm về tính khả thi.

Vmô hình tổ chức chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Tạ Thị Yên tán thành với các chính sách đề ra tại dự thảo Nghị quyết. Đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi cho phép doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể được thử nghiệm có kiểm soát các loại hình công nghệ mới trên địa bàn toàn thành phố, thay vì chỉ thử nghiệm trong một số phạm vi địa lý hẹp như đang được quy định trong dự thảo Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết đưa ra chính sách cho phép thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không gian đổi mới sáng tạo do ngân sách thành phố đầu tư. Tuy nhiên, theo đại biểu hiện nay có nhiều công nghệ mới yêu cầu phải được thử nghiệm trong môi trường thực tế. Ví dụ, phương tiện giao thông có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vì các tình huống ứng xử khi tham gia giao thông ngoài thực tế rất phức tạp.

Về chính sách ưu đãi thị thực đối với người nước ngoài, đại biểu đề nghị xem xét thí điểm chính sách “thị thực vàng” đối với những cá nhân nước ngoài có chức vị, học vấn cao sinh sống, làm việc trong khu thương mại tự do Đà Nẵng, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không gian đổi mới sáng tạo do ngân sách thành phố đầu tư.

“Gần đây nhất, vào đầu tháng 5 vừa qua, Chính phủ Thái Lan vừa phê duyệt loại thị thực đặc biệt dành cho các chuyên gia làm việc tại hành lang kinh tế phía Đông của Thái Lan nhằm thu hút các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau đến với khu vực này. Loại thị thực đặc biệt này có giá trị trong 10 năm, cho phép người sở hữu có thể xuất, nhập cảnh vào Thái Lan nhiều lần” - đại biểu Tạ Thị Yên dẫn chứng.

Theo đại biểu, quy định này sẽ góp phần thu hút tài năng công nghệ cao trên toàn thế giới đến với Đà Nẵng, đẩy nhanh quá trình phát triển và áp dụng công nghệ vào đời sống trên địa bàn thành phố, cũng như trên cả nước.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top