Khắc phục bất cập về sắp xếp đơn vị hành chính

07:07 - Chủ Nhật, 02/06/2024 Lượt xem: 4963 In bài viết

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tồn tại từ giai đoạn 2019-2021 đến nay, song các cơ quan hữu quan vẫn chưa có nhiều giải pháp khắc phục hiệu quả. Các địa phương kiến nghị, phản ánh, nhiều nhất là về công tác bố trí, sắp xếp công việc mới hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp; việc xử lý tài sản công còn gặp khó khăn; chất lượng đô thị sau sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn chưa bảo đảm chất lượng…

Trụ sở xã Cẩm Huy (cũ) dôi dư sau khi sáp nhập vào thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Vừa qua, việc dự kiến đổi tên đơn vị hành chính khi tiến hành sắp xếp ở một số nơi đã gặp nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội cũng như từ phía người dân chịu ảnh hưởng, không ít người bị tác động về tâm lý, gây xáo trộn đến hoạt động sinh hoạt, sản xuất, tâm tư, tình cảm của cộng đồng dân cư, ảnh hưởng cả việc quản lý, phát huy hiệu quả của một số thiết chế văn hóa.

Ở địa bàn miền núi, vùng cao, việc sắp xếp gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi cần liên hệ công tác, giải quyết thủ tục hành chính với chính quyền cấp huyện, cấp xã, các cơ quan như: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng, cơ quan thuế... Việc khám, chữa bệnh của người dân cũng gặp khó khăn do khoảng cách đến trạm y tế xa hơn đáng kể.

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn cho biết, họ bị ảnh hưởng đáng kể do phải điều chỉnh thông tin, đặc điểm nhận biết của doanh nghiệp, tổ chức, mối quan hệ đối tác, làm tăng chi phí đầu vào, nguyên liệu, giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá đất, thuế, phí, lệ phí, nhất là tại những nơi trước là nông thôn nay đã trở thành đô thị. Họ cũng phải thay đổi, đăng ký lại các giao dịch bảo đảm tại các tổ chức tín dụng để tiếp tục sản xuất, kinh doanh...

Đại diện Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho rằng, khó khăn, vướng mắc nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như tính đa dạng về điều kiện tự nhiên, địa hình, dân cư, phong tục tập quán và sự khác biệt về tốc độ đô thị hóa, trình độ phát triển kinh tế-xã hội giữa các đơn vị hành chính. Bên cạnh đó, một số quy định, hướng dẫn còn thiếu, chưa cập nhật, chưa dự báo và bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh trong quá trình sắp xếp; chưa có hướng dẫn về yêu cầu, quy trình, cách thức bàn giao, xử lý tài liệu, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đang lưu trữ đã gây lúng túng cho quá trình tổ chức thực hiện. Hệ thống chính sách, chế độ cũng chưa được xây dựng tương xứng, phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách trong diện sắp xếp để tạo cơ sở vận động họ chủ động thực hiện các chủ trương sắp xếp cán bộ của địa phương, đơn vị.

Việc bố trí, sắp xếp, giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư chậm một phần còn do các văn bản pháp luật liên quan quy định chưa thật đầy đủ, chưa có cơ chế tài chính phù hợp để động viên, khuyến khích; mức hỗ trợ chưa thỏa đáng để ổn định đời sống, tạo việc làm mới.

Hơn nữa, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, quy mô dân số và diện tích tự nhiên được tăng lên, phạm vi địa bàn quản lý được mở rộng, khối lượng công việc về thủ tục hành chính, nhu cầu sử dụng dịch vụ công tăng…, trong khi số cán bộ, công chức phải cắt giảm theo quy định, các khoản chi cho hoạt động thường xuyên giảm đã tác động không nhỏ đến hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của đơn vị hành chính mới, nhất là tại các huyện, xã thuộc khu vực miền núi, nông thôn có diện tích lớn, địa hình chia cắt, dân cư sinh sống rải rác, giao thông đi lại khó khăn.

Tại một số kỳ họp Quốc hội gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, thực tiễn công tác sắp xếp đơn vị hành chính chỉ rõ cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất, liên thông của Đảng, của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương phải kịp thời ban hành chính sách, pháp luật và hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất; đồng thời sát sao hơn để cùng địa phương nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Quá trình rà soát, đánh giá thực trạng đơn vị hành chính trên địa bàn, lập phương án sắp xếp và dự kiến bố trí đội ngũ phải được tiến hành khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu ảnh hưởng. Trong quá trình thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát việc phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, bảo đảm kịp thời tháo gỡ, giải quyết ngay các vướng mắc, khó khăn; đồng thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có hướng dẫn phù hợp trong trường hợp vượt quá thẩm quyền.

Theo một số chuyên gia, mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, nhưng đây là mục tiêu dài hạn. Ở giai đoạn ngay sau khi sắp xếp, cần tập trung bố trí nguồn lực đầu tư cần thiết để các đơn vị hành chính sớm ổn định về tổ chức và hoạt động, có nền tảng ban đầu để thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, để người dân cảm thấy được ngay tác dụng, hiệu quả tích cực của việc sắp xếp, nhất là chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình sáp nhập, tái thiết, phát triển, bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính, tăng mức độ hài lòng của người dân, giúp người dân an tâm và cảm nhận được chất lượng và điều kiện sống có sự cải thiện nhiều so với trước khi sắp xếp.

Bên cạnh đó, vấn đề cốt lõi là thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, bố trí, sắp xếp không gian phát triển phù hợp đặc điểm, thế mạnh của vùng, miền, địa phương, trên cơ sở đó tập trung ưu tiên các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm khác biệt.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top