Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024):

Giải mã lịch sử sự kiện Nguyễn Tất Thành tìm đường cứu nước

08:17 - Thứ Tư, 05/06/2024 Lượt xem: 3620 In bài viết

Nhìn lại lịch sử dân tộc, đã có hàng triệu cuộc rời xa đất nước, ra đi tìm sự giải mã cho ẩn số lịch sử, ẩn số cuộc đời.

Trong số các cuộc ra đi như vậy trong lịch sử hiện đại, tiêu biểu nhất là cuộc ra đi vì đại nghĩa cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành ngày 5-6-1911, để lại dấu ấn định hình lịch sử cho Việt Nam và cho nhân loại trong thế kỷ XX, đặt tiền đề định hướng khát vọng dân tộc bước sang thế kỷ XXI.

Chiếc tàu Latouche Treville đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng, ngày 5-6-1911. Ảnh: TTXVN.

1. Trong thời Bắc thuộc, có một số vị trạng nguyên của người Giao Chỉ bị trưng dụng qua phục vụ các triều đại phong kiến Trung Quốc, dù được trọng đãi nhưng vẫn nặng lòng cố quốc. Thế kỷ XV, Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt và đày qua phương Bắc, tới ải Nam Quan còn căn dặn con trai là Nguyễn Trãi hãy quay trở về tìm đường cứu nước, cứu dân, đó mới là đạo hiếu nghĩa.

Thời Pháp thuộc, có một số ông vua triều Nguyễn bị đày biệt xứ, gửi thân phận ở xứ người (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân); Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đều ra đi mỗi người một phương trời, người thì hướng về văn minh phương Tây (đến Pháp), người thì hướng về văn minh phương Đông (sang cầu cứu Nhật Bản), nhưng đều có kết cục không có đường ra cho lịch sử nước nhà. Còn trong nước, có tới vài chục cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, mang đủ màu sắc, rốt cuộc đều bị kẻ thù “dìm trong biển máu”. Có nhiều lý do biện minh cho sự thất bại, nhưng chung quy có mấy lý do chủ yếu, đó là:

Trong thời đại chủ nghĩa tư bản thịnh trị nửa cuối thế kỷ XIX, các nước tư bản phương Tây rất khát khao mở rộng thị trường, tìm nguồn tài nguyên để vơ vét đưa về chính quốc và bóc lột sức lao động ở thuộc địa. Xứ An Nam là một trong những nước phong kiến nghèo nàn, lạc hậu, nên không tránh khỏi họa xâm lăng và mất quyền tự chủ.

Triều đình nhà Nguyễn ra đời từ mối hận thù giai cấp, coi nhà Tây Sơn và giai cấp nông dân là “giặc cỏ”, “phản loạn”, nên đã dồn đủ mọi kế sách để báo oán, tận diệt nhà Tây Sơn, phòng bị đối phó với nông dân. Mặt khác, Nguyễn Ánh chính là người cầu cứu thực dân Pháp qua đánh Tây Sơn, nên triều Nguyễn không đủ tư cách để đại diện cho lực lượng lãnh đạo tối cao trong cuộc kháng Pháp.

Các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ mạnh, lan rộng hầu khắp từ miền Trung ra miền Bắc, tới miền Đông Nam Kỳ, dù dưới danh nghĩa hưởng ứng chiếu Cần Vương hay mang tính chất nông dân, thì cũng chỉ bị khuôn lại bởi tư tưởng phong kiến lỗi thời, suy tàn. Có thời điểm sau khi vua Tự Đức băng hà, Pháp đã thao túng triều Nguyễn, bốn tháng thay tới 3 vua; các văn thân, sĩ phu, hay anh hùng nông dân như Hoàng Hoa Thám đều chưa đủ tầm nhìn xa, trông rộng. Duy chỉ có nhận thức của Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu hướng tới văn minh tư sản, nhưng các ông cũng chưa vượt lên trên vòng kim cô của chế độ phong kiến. Hơn nữa, các ông cũng chưa đủ khả năng nhận ra bản chất áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc.

Trước họa xâm lăng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bị chia năm xẻ bảy. Trong triều đình thì phái chủ chiến và phái chủ hòa tranh đoạt quyền bính. Bên ngoài thì lòng dân chán ngán triều đình; dân gian bấy giờ rêu rao “vua là tượng gỗ, dân là thân trâu”. Kẻ thù thì lại hoàn toàn khác so với các loại giặc xâm lăng phong kiến trước đây, bọn họ là thế giới tư bản phương Tây, hơn hẳn ta về thang bậc phát triển.

2. Những hạn chế lịch sử nêu trên, chỉ có thể được phát hiện và tìm cách gỡ đúng nút thắt bởi Nguyễn Tất Thành - đây là người được sinh ra cho những quyết định mở đường mới cho lịch sử nước nhà. Sứ mệnh lịch sử của Nguyễn Tất Thành được khởi sự bằng sự kiện cách đây 113 năm, ngày 5-6-1911. Động cơ ra đi của Nguyễn Tất Thành có nhiều điểm khác những thế hệ đi trước và cùng thời. Trước hết là sự “tò mò chính trị” bởi một số thuật ngữ mới lạ từ phương Tây, như: Tự do, bình đẳng, bác ái. Những từ ngữ đó không phải các nước văn minh (tự xưng, tự cao ngạo) cho rằng, họ đã phát kiến như cuộc phát kiến địa lý, mà thực chất là bởi sự tiến hóa của nhân loại từ mông muội tới văn minh, từ áp bức nô dịch tới đấu tranh giai cấp, giải phóng con người.

Những thuật ngữ đó rất cuốn hút tâm trí của Nguyễn Tất Thành, vì hằng ngày, thâu đêm suốt sáng, cậu thiếu niên trạc 13 đến 15 tuổi đã chứng kiến cảnh nô dịch dã man. Phong kiến Nam triều thì là cường hào ác bá, còn thực dân Pháp thì là ác quỷ mắt xanh mũi lõ, thân phận dân ta như kiếp trâu ngựa, biết lối nào mà thoát. Các bậc cha chú của Nguyễn Tất Thành thường tụ nghĩa bàn chuyện cơ sự thâu đêm, nhưng chưa thấy ai thành công, chỉ thấy máu chảy, đầu rơi.

Bản thân gia đình Nguyễn Tất Thành cũng lâm vào cảnh nhà tan, cha bị phế chức, anh trai và chị gái bị giam cầm, bản thân Nguyễn Tất Thành cũng vì tham gia hưởng ứng phong trào Duy Tân mà bị đuổi học, bị truy tìm gắt gao. Như vậy, trong con người Nguyễn Tất Thành đã thừa kế huyết thống yêu nước thương nòi, giàu trí tuệ, sinh ra trên vùng quê giàu truyền thống lịch sử, trong một dân tộc giàu tinh thần bất khuất. Đó là vốn liếng quý báu làm hành trang vô hình cho cuộc hành trình cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành (từ năm 1919 nhân danh là Nguyễn Ái Quốc).

Con đường Nguyễn Tất Thành đi tìm là con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người, giải phóng nhân loại cần lao. Thân phận bồi bếp trên tàu buôn của Pháp đã mở ra cơ hội cho Nguyễn Tất Thành thâm nhập vào thế giới những người cần lao trên khắp hành tinh. Con tàu đó cũng là phương tiện phù hợp giúp cho Nguyễn Tất Thành đi được nhiều nơi, tiếp cận được nhiều cảnh đời khốn khổ, thấy cảnh bất công, đến những thành phố cảng hàng đầu thế giới, nơi mà sự phồn vinh của thế giới hiện đại đều hiện hữu. Sự tiếp cận với văn minh hiện đại cũng là ưu thế cho Nguyễn Tất Thành tiếp thu được tinh hoa thế giới một cách đa dạng, sinh động, mở tầm tư duy văn hóa chính trị mang tính toàn cầu.

Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ thắng lợi, cùng với sự ra đời của Quốc tế Cộng sản là chất xúc tác chính trị trực tiếp làm thay đổi nhận thức của Nguyễn Ái Quốc. Cách mạng Tháng Mười Nga giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc câu hỏi lớn: Làm thế nào có được độc lập, tự do? Câu trả lời chuẩn mực, duy nhất đúng là cần có một chính đảng vô sản lãnh đạo quần chúng cách mạng vùng lên giành chính quyền, bước tiếp đi lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Vécxây đã giúp Nguyễn Ái Quốc biết được rằng, chỉ có cách mạng mới đòi lại được quyền độc lập cho dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, kẻ thù không bao giờ ban ơn cho các dân tộc thuộc địa.

Nhờ có các đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc đi theo Quốc tế 3, được đọc sơ thảo Luận cương Lênin, bừng sáng niềm tin chân lý cách mạng cho Việt Nam. Điều này càng tạo cơ hội để Nguyễn Ái Quốc có được tầm tư duy thời đại, tư duy bao quát xu hướng cách mạng thế giới, để làm cầu nối đưa cách mạng Việt Nam gắn kết cùng dòng chảy chủ lưu của cách mạng thế giới. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được đặt tiền đề từ Nguyễn Ái Quốc.

Sau 113 năm sự kiện ngày 5-6-1911, suy ngẫm từng dấu mốc trưởng thành về nhận thức và hành động cách mạng của Nguyễn Tất Thành, ta càng thêm cảm phục, càng thêm tin tưởng và kiên định con đường do Người đã lựa chọn, trải qua, sáng lập và rèn luyện Đảng ta; truyền cảm hứng lịch sử cách mạng cho đồng bào ta; để lại kho báu giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh như luồng ánh sáng của hiện tại và tương lai. Khắc ghi công ơn trời bể của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân yêu nước càng thêm vững vàng bước tiếp con đường mà Người đã lựa chọn và dẫn lối cho dân tộc ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.

PGS.TS Trần Viết Lưu

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top