Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức

09:45 - Thứ Tư, 12/06/2024 Lượt xem: 4017 In bài viết

Đứng trước bối cảnh và yêu cầu của thực tiễn cách mạng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức càng trở nên quan trọng.

Không chỉ trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng về đạo đức còn nhằm bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

1. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đa số cán bộ, đảng viên vẫn giữ vững truyền thống đạo đức của Đảng, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhiều tấm gương điển hình của cán bộ, đảng viên trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động văn hóa - khoa học; trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; trong tham gia cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai và các hoạt động vì cộng đồng… được tôn vinh.

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, vi phạm pháp luật, Điều lệ Đảng... Những hành vi của họ đã xâm hại lợi ích chung của toàn Đảng, gây tác động xấu, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân... Đây thực sự là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ!

Nhân cơ hội đó, các thế lực thù địch đã xuyên tạc rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không còn là đạo đức, là văn minh”(!). Hơn nữa, họ cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, vẫn kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội là “lạc hậu, không còn là một đảng tiến bộ, văn minh”(!)... Những luận điệu công kích này là nhằm làm mất uy tín, thể diện của Đảng Cộng sản Việt Nam trước quần chúng nhân dân, làm cho nhân dân xa rời Đảng; đồng thời, gieo rắc sự hoài nghi, dao động trong đội ngũ đảng viên, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, tạo thời cơ để giành lấy chính quyền, đưa đất nước đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Những luận điệu sai trái đó vô cùng nguy hiểm, phải kiên quyết vạch trần, bác bỏ.

2. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở, răn dạy cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng bằng rất nhiều bài phát biểu, bài viết. Đặc biệt, tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”; và trong Di chúc của Người, vấn đề đạo đức cách mạng được viết nghiêng trong những lời dặn căn cốt nhất về xây dựng Đảng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, nhiều thế hệ đảng viên đã không tiếc máu xương, xả thân vì dân, vì nước; luôn luôn đứng đầu trên các trận tuyến chống quân thù, để lại tấm gương sáng ngời, được quần chúng nhân dân kính phục, tin cậy, noi theo. Đạo đức cách mạng chói sáng của các chiến sĩ cộng sản thực sự là nội lực và cội nguồn sức mạnh của cách mạng; động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân tin theo Đảng, cùng nhau đoàn kết một lòng, vượt qua gian lao nguy hiểm, đưa cách mạng ngày càng giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức. Đảng ta coi đó là một trong 4 nguy cơ đe dọa đến vai trò lãnh đạo của một đảng cầm quyền. Vì vậy, tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016), vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức lần đầu tiên được nhắc đến với tư cách là “mặt thứ tư” trong công tác xây dựng Đảng để trở thành một chỉnh thể: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Có thể khẳng định, xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay thực sự là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, hoàn thành những trọng trách của mình trước nhân dân và dân tộc. Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Xây dựng Đảng về đạo đức luôn là việc làm thường xuyên, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Trong đó, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được xem là khâu then chốt, một mục tiêu mà Đảng ta cần phấn đấu, làm cho Đảng luôn xứng đáng với mong mỏi của toàn dân, thực sự tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.

Gần đây nhất, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó, Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Quy định số 144-QĐ/TƯ cho thấy quyết tâm xây dựng Đảng về đạo đức với những chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là yêu cầu tiên quyết để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. Những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là không có căn cứ, là sự chống phá thường xuyên liên tục của chúng nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

3. Để đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nội dung công tác xây dựng Đảng về đạo đức, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Trước tiên cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng về yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức. Theo đó, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải nghiên cứu, đổi mới hình thức giáo dục cho phù hợp. Đặc biệt coi trọng “phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu”, nghĩa là, phải phát huy vai trò gương mẫu, nói đi đôi với làm của từng cấp ủy viên và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng trong xây dựng, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, phương pháp, tác phong, văn hóa Đảng.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng phải gương mẫu về đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên noi theo; đảng viên đi trước phải làm gương cho đảng viên đi sau; đảng viên giữ cương vị, chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, trong sáng về đạo đức cách mạng. Có như vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng Đảng mới đạt hiệu quả thiết thực.

Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ra sức phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; không ngừng tự rèn luyện đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp tục thực hiện đề cao vai trò gương mẫu, nêu gương sáng về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, văn hóa Đảng của mỗi cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ người đảng viên của Đảng.

Thường xuyên rèn luyện bền bỉ, không ngại khó, ngại khổ, làm cho việc tự tu dưỡng của đảng viên là nhu cầu không thể thiếu được, đề kháng, miễn dịch với mọi thói hư, tật xấu…; rèn luyện đạo đức người đảng viên, văn hóa lãnh đạo, góp phần xây dựng Đảng về đạo đức. Thực hiện tốt những nội dung trên sẽ làm cho cán bộ, đảng viên tự rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý cho mình, rèn luyện phẩm chất đạo đức, góp phần xây dựng Đảng về đạo đức.

Đặc biệt, với phương châm “mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên của Đảng”, bằng kiến thức của mình, cán bộ, đảng viên là những người đi đầu trong tuyên truyền, giải thích cho quần chúng ở địa phương, đơn vị hiểu rõ bản chất sai trái, xuyên tạc quan điểm, chủ trương xây dựng Đảng về đạo đức của các thế lực thù địch; tuyệt đối không nghe, không tin theo.

Xây dựng Đảng về đạo đức là trách nhiệm của toàn Đảng, từ trung ương đến cơ sở, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện đạo đức, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời; đồng thời, trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top