Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc

14:21 - Thứ Hai, 17/06/2024 Lượt xem: 3951 In bài viết

Sáng 17-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận sáng 17-6. Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều vướng mắc trong các dự án trường nghề

Theo Tờ trình của Chính phủ, một trong những nội dung được đề xuất điều chỉnh là “đối tượng Chương trình”. Cụ thể, trong thực tiễn triển khai thực hiện, một số đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, các trường phổ thông dân tộc nội trú, một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện có vai trò quan trọng và trực tiếp tác động đến các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị... của các đơn vị trên còn rất thiếu thốn, cần có sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị, tổ chức này chưa được quy định rõ tại chủ trương đầu tư Chương trình, do có trụ sở đóng ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, dẫn đến một số khó khăn trong việc lập, thẩm định kế hoạch bố trí vốn, thanh quyết toán trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) cho biết, công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều kết quả, song trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, nguồn đầu tư cho việc giảng dạy còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này cũng là đơn vị thực hiện các nhiệm vụ tại các dự án 3, dự án 5 của Chương trình. Tuy nhiên, vì địa điểm của các cơ sở này ở trung tâm huyện, tỉnh, mà không nằm ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nên không được thụ hưởng chính sách của Chương trình” - đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nêu thực tế.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, còn những vướng mắc trong thực hiện các tiểu dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung phạm vi thực hiện, mở rộng đối tượng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên ở trung tâm huyện, thành phố thuộc các khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) thống nhất cao việc điều chỉnh Chương trình theo đề nghị của Chính phủ và kiến nghị Chính phủ xem xét quy định, thực hiện phân định đối với các ấp, khu vực thôn thuộc xã, phường, thị trấn không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để địa phương làm cơ sở xây dựng triển khai cơ chế, chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu, lộ trình thực hiện các mục tiêu của Chương trình theo hướng cho phép địa phương lựa chọn nội dung dự án thành phần có nhu cầu cấp thiết đầu tư để thực hiện.

Nguồn vốn để thực hiện Chương trình là hơn 4.000 tỷ đồng

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã giải trình làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh nguồn vốn của Chương trình để phù hợp với tình hình thực tiễn trong quá trình triển khai. Trong Nghị quyết, nguồn vốn Chương trình được quy định là nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nhưng trong thực tế là hằng năm. Vì vậy, Chính phủ đã xây dựng phương án phân bổ vốn chương trình bao gồm cả vốn đầu tư công và vốn chi thường xuyên.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: quochoi.vn

Hiện có 4 nội dung với 4 nhóm đối tượng được điều chỉnh, cơ bản các đại biểu Quốc hội đã đồng tình ủng hộ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cho Chính phủ, cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát cụ thể từng danh mục công trình phù hợp với tiêu chí, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, nguồn vốn để thực hiện là hơn 4.000 tỷ đồng được phân bổ trong tổng nguồn vốn mà Quốc hội đã phê duyệt.

Các địa phương đã lựa chọn các danh mục, song còn vướng là các danh mục này không nằm ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng đặc biệt khó khăn, mà nằm ở địa bàn thôn, bản cho nên đề nghị điều chỉnh về địa bàn để tổ chức thực hiện. Như vậy, nguồn vốn là nằm trong tổng nguồn vốn đã được Quốc hội phân bổ, không đội vốn, tức là không tăng thêm 4.000 tỷ đồng.

Quang cảnh phiên họp sáng 17-6. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận tại hội trường có 8 lượt ý kiến phát biểu. Trong đó, đa số đại biểu cơ bản nhất trí với điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc Chương trình này.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top