Cần rà soát thận trọng các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa

15:06 - Thứ Tư, 19/06/2024 Lượt xem: 3130 In bài viết

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần rà soát thận trọng nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Sáng 19-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 19-6. Ảnh: media.quochoi.vn.

Phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, quốc gia

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết; thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2026-2030, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra thời gian qua, triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030; giai đoạn 2031-2035, tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam, triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến năm 2035.

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng; dự kiến, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng. Mục tiêu tổng quát của chương trình gồm 7 mục tiêu; về mục tiêu cụ thể, chương trình đặt ra đến năm 2035, đạt 18 nhóm mục tiêu…

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) bày tỏ ấn tượng đối với mục tiêu “tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam” và cho rằng đây là mục tiêu quan trọng nhất và cấp thiết nhất.

Đối với mục tiêu “nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, mục tiêu xác định được tầm nhìn khi Việt Nam có nền văn hóa sâu sắc hàng nghìn năm, đa dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, để có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa toàn diện, cần phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, quốc gia; từ đó, xây dựng các chương trình hành động, vừa bảo vệ nền tảng, vừa phát triển văn hóa tiên tiến dựa trên nền tảng cốt lõi.

“Các yếu tố hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tinh hoa văn hóa nhân loại phải là một phần hệ giá trị cốt lõi này. Khi đó, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ được học tập trong Đảng mà còn được phổ biến toàn xã hội và là “chất keo dính” để Đảng tăng cường gắn bó mật thiết với nhân dân, trong nhân dân và vì nhân dân”, đại biểu nói.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Còn băn khoăn về nguồn lực đầu tư cho chương trình

Về xác định tổng mức đầu tư của chương trình, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần bảo đảm căn cứ tương thích với tình hình thực tế, trong đó, cần rà soát lại 10 nội dung thành phần, khái toán chi phí từng năm bám sát với các nội dung thành phần, quy ra phần trăm GDP ước tính từng năm theo dự báo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ; Quốc hội sẽ duyệt chi cho chương trình theo tỷ lệ GDP hằng năm, các hạng mục cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định theo thực tế.

Trong đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát tổng mức đầu tư nguồn vốn gắn với nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình, tránh đề xuất quá cao so với khả năng thực hiện, dẫn đến lãng phí. Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, chương trình cần bám sát quy định của Luật Đầu tư công, do đó, những chỉ tiêu chưa rõ về mặt căn cứ cần được rà soát lại. Về tính khả thi, đại biểu cho rằng, chương trình đưa ra rất nhiều chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu trùng lặp, cần được sắp xếp lại phù hợp, khả thi để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên những vấn đề cấp bách.

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) bày tỏ lo ngại nguồn vốn cho chương trình là khá cao; trong đó có nguồn vốn huy động các nguồn lực xã hội nhưng chương trình lại chưa xác định các hạng mục, công trình cụ thể để kêu gọi xã hội hóa. Đại biểu cho rằng, nếu chương trình không ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích sự tham gia của các nguồn lực xã hội thì chương trình sẽ khó thực hiện, sẽ lặp lại những vướng mắc, bất cập, hạn chế mà các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện gặp phải.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, hiện nay, chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm và tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn thì việc đề xuất tổng mức đầu tư cho chương trình là quá lớn và chưa phù hợp với Luật Đầu tư công. “Tôi cho rằng, cần rà soát thận trọng, thu hẹp các mục tiêu, bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để đưa ra con số phù hợp bảo đảm hài hòa, công bằng với các mục tiêu bức thiết khác”, đại biểu nói.

Về đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, phát biểu tranh luận với đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, cần có chỉ tiêu cụ thể cho nội dung này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho rằng, ý tưởng rất hay nhưng không mới.

“Tôi rất lo lắng việc duy trì, phát triển có hiệu quả hay không vì việc đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài rất tốn kém”, đại biểu nói và cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ các hội đoàn người Việt, kiều bào ở nước ngoài tự tổ chức và quản lý các trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ ở các nước. Đại biểu cũng đề nghị cần tập trung vào các chương trình cụ thể như dạy tiếng Việt tại các quốc gia có nhiều người Việt Nam sinh sống.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top