Tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội

14:15 - Thứ Sáu, 21/06/2024 Lượt xem: 3066 In bài viết

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, sáng 21-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).

Trong đó, Điều 135 của dự thảo Luật về quy định “Tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội” được nhiều đại biểu quan tâm.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Quochoi.vn

Vì sao phải tách án hình sự với NCTN phạm tội?

Điều 135 của dự thảo Luật quy định rõ, trong vụ án hình sự có người bị buộc tội là NCTN và người đã thành niên thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tách vụ án hình sự đối với NCTN để giải quyết vụ án độc lập.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tách vụ án theo quy định tại Khoản 1 điều này, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra, giải quyết vụ án theo quy định của Luật này và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Sau khi tách vụ án hình sự, cơ quan điều tra giải quyết như sau: Trường hợp NCTN đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì thực hiện theo quy định tại phần thứ hai của Luật này. Trường hợp NCTN không đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì giải quyết vụ án theo Bộ luật Tố tụng hình sự và Chương VIII của Luật này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận về vấn đề tách án hình sự với NCTN phạm tội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng, điều này phù hợp với các chính sách mới được quy định trong luật này.

Theo đại biểu, dự thảo Luật bổ sung quy định rút ngắn thời hạn tố tụng. Luật hiện hành đang quy định thời hạn tố tụng của người lớn bằng trẻ em. Tuy nhiên, dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu công ước quốc tế về thời hạn tố tụng, trong đó quy định "thời hạn tố tụng của trẻ em bằng một nửa so với người lớn".

Ngoài ra, về quy định xử lý chuyển hướng, luật hiện hành không cho phép được trừ thời gian áp dụng biện pháp này vào thời gian giải quyết vụ án. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật cho phép trừ thời gian áp dụng biện pháp chuyển hướng vào thời gian giải quyết vụ án.

“Trường hợp này, nếu không quy định tách vụ án với NCTN dẫn đến thời hạn giải quyết tố tụng với người lớn đã hết, nhưng thời hạn giải quyết trẻ em vẫn còn, trong khi chưa kết thúc vụ án", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu bất cập.

Trước tình thế này, dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc mới là "mọi thông tin NCTN được bảo mật trong toàn bộ quá trình giải quyết án". Nếu gộp vụ án có cả NCTN và người lớn sẽ dẫn đến việc phải thông tin đầy đủ 2 đối tượng trong cáo trạng và kết luận điều tra, bản án về diễn biến hành vi phạm tội, nhân thân của họ. Điều này dẫn đến vi phạm nguyên tắc vừa bổ sung trên.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) đề cập đến quy định tách vụ án có NCTN phạm tội ra giải quyết riêng quy định trong dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, việc tách vụ án khi có NCTN phạm tội ra để giải quyết độc lập và ưu tiên giải quyết thủ tục rút gọn là cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi cho NCTN phạm tội, đúng với quy định chủ trương của Đảng, Nhà nước và Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Theo đại biểu, dự thảo Luật khắc phục tồn tại của Bộ luật Hình sự hiện hành: Giảm thời hạn tạm giam với NCTN từ 2/3 so với người trưởng thành bằng 1/2 thời gian tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử là điều cần thiết, phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi qua nghiên cứu báo cáo của các cơ quan chức năng thấy rằng, NCTN thường đồng phạm với vai trò người giúp sức trong các tội tổ chức đánh bạc, đua xe trái phép, hoặc trong một số tội nguy hiểm hơn như cố ý gây thương tích.

Tạo cơ hội cho NCTN hướng thiện

Một trong những nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là Điều 36 quy định về biện pháp xử lý chuyển hướng. Cụ thể, có 12 biện pháp gồm: Khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến NCTN phạm tội mới…

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) phát biểu. Ảnh Quochoi.vn

Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang), dự thảo Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng, đồng thời, quy định rõ các trường hợp sẽ khắc phục khó khăn, bất cập trong thực tiễn.

Về nội dung quy định rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án có NCTN phạm tội (Điều 121) và tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội (Điều 135), theo đại biểu, đây là 2 vấn đề có liên quan đến nhau. Do vậy, cần quy định rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án có NCTN phạm tội không quá 1/2 thời hạn vụ án có người lớn, trừ vụ án có tính chất phức tạp nhằm thực hiện tốt nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự là bảo đảm giải quyết nhanh, kịp thời các vụ án liên quan đến NCTN.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) đề xuất, cần xây dựng thêm các quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng, cũng như tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu chỉ áp dụng biện pháp hình sự thì chưa cá thể hóa được, nắm rõ hết được tâm lý của một số bị cáo là NCTN.

Đại biểu khẳng định: “Áp dụng 12 biện pháp này tôi cho là cần thiết, rất phù hợp với nhân cách của NCTN phạm tội. Có việc bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà chúng ta phân hóa cái này, tôi cho là rất cần thiết, khoa học đối với xã hội ta hiện nay”.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cung cấp thêm thông tin về 10 nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm gồm: Xử lý chuyển hướng; phạt tiền với NCTN phạm tội; cấm đến địa điểm và tiếp xúc với người phạm tội; tên gọi của dự án Luật...

Theo đồng chí Nguyễn Hòa Bình, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp NCTN nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với NCTN phạm tội. Đồng thời, tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ NCTN phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top