Làm “đầy tớ” nhân dân là hạnh phúc của người cán bộ

07:02 - Chủ Nhật, 23/06/2024 Lượt xem: 3153 In bài viết

Ngày 9-5-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144-QĐ/TƯ).

Quy định này một lần nữa khẳng định Đảng ta, người cán bộ của Đảng không có lợi ích gì khác ngoài lợi ích của nhân dân; mục tiêu phấn đấu và công việc hằng ngày của người cán bộ không có gì khác là phục vụ nhân dân. Muốn làm được điều ấy và làm tốt điều ấy, người cán bộ phải luôn tự sửa mình, nhắc mình, phải học làm người, học làm cán bộ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bộ phận “một cửa” của UBND huyện Thanh Trì. Ảnh: Quang Thái

Học làm người

Nếu có thể nói một cách ngắn gọn, bao quát nhất về con người Việt Nam, về văn hóa Việt Nam, thì đó chính là nội dung được thể hiện trong Điều 1, đòi hỏi đầu tiên về người cán bộ trong Quy định 144 là yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc.

Người Việt Nam muôn đời nay đã mang trong mình lòng nồng nàn yêu nước, “thương người như thể thương thân”. Đây là một bản tính người, có ở mọi dân tộc, nhưng phải chăng, ở người Việt có nồng độ cao và sâu sắc hơn? Vì thế, người Việt mới sáng tạo ra hai chữ “đồng bào”, sáng tạo ra truyền thuyết tất cả là con một cha, một mẹ. Vì yêu nước, Bác Hồ đặt tên là Ái Quốc, Phan Bội Châu đặt tên là Sào Nam (tổ trời Nam), Trần Bình Trọng khảng khái: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.

Vì yêu nước, quyết tâm bảo vệ đất nước nên Thánh Gióng 3 tuổi đã có chí nguyện đánh giặc; lớp thanh niên từ Trần Quốc Toản, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu...; phụ nữ như Bà Trưng, Bà Triệu đến chị Út Tịch, mẹ Suốt, mẹ Thứ và bao bà mẹ Việt Nam đời này sang đời khác không chỉ dạy con trung nghĩa mà còn trực tiếp ra chiến trường đánh giặc, “còn cái lai quần cũng đánh”. Người Việt Nam biết rõ giữ nước cũng là giữ nhà. Bởi kinh nghiệm “nước mất thì nhà tan” nên khi có giặc, khi cần đánh giặc thì toàn dân là lính.

Chiến tranh nhân dân đã tạo nên một sức mạnh vô địch. Nhà nhà giữ nước, thì nước (Nhà nước) phải biết chăm lo cho từng nhà chứ không thể là một kiểu nhà nước phiền nhiễu dân, đứng trên dân, chỉ biết thu thuế dân, tiêu pha mặc sức, tự quy định những chính sách mang tính đặc quyền đặc lợi, sử dụng tài nguyên một cách “ăn xổi ở thì”, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”...

Yêu nước, thương người, thân dân là một truyền thống quý báu, một tượng đài, không ai phá bỏ, đi ngược lại được sự thần thánh ấy.

Ngay cả thời phong kiến, đạo làm người, đạo làm quan cũng rất rõ ràng. Người làm quan được gọi là “phụ mẫu chi dân”, tức cha mẹ của dân. Nghe mất dân chủ, trịch thượng thật đấy, cần phải thay đổi thật đấy. Nhưng trong hệ thống đạo đức của Khổng giáo, đã là “cha mẹ” thì phải lo lắng cho dân, đã là “phụ” thì phải “từ”, “tử” thì phải “hiếu”. Và trên thực tế, nhiều vị quan thời phong kiến đã để lại sự nghiệp ích dân, được dân ghi nhận, thậm chí tôn thờ.

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức người cán bộ cách mạng được phân định rất rõ: Phải biết làm người trước khi làm cán bộ. Năm 1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Bác viết một loạt 4 bài đăng trên Báo Cứu Quốc các số ra ngày 30-5, 31-5, 1-6 và 2-6 năm 1949. Người khẳng định: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”.

Người đặc biệt nhấn mạnh chữ Liêm. Liêm “là trong sạch, không tham lam”, trong đó “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm”. Đã “bất liêm tắc bất chính”, bất chính tức là kẻ ác, là đối lập với người thiện, là đối tượng phải gạt bỏ. Chữ “liêm”, trong cách nói dân gian thường gắn với chữ “sỉ” tức là biết xấu hổ, biết lấy làm thẹn, làm nhục khi mình làm điều sai trái.

Với người cán bộ, còn phải đòi hỏi cao hơn. Từ năm 1927, trong cuốn “Đường Kách mệnh”, nay trở thành Bảo vật quốc gia, Bác đưa vấn đề tư cách cán bộ lên đầu tiên. Người cán bộ cách mạng không chỉ có tứ đức ấy mà còn phải biết giữ chủ nghĩa cho vững và phải biết hy sinh, ít lòng ham muốn về vật chất.

Học làm cán bộ

Chúng ta thường đặt ra nhiều tiêu chuẩn, thậm chí có những tiêu chuẩn rất cao cho người cán bộ và cũng có quy trình chặt chẽ từ dưới lên trên, được xem xét, giám sát của nhiều cơ quan liên quan, vì sao vẫn để lọt “những con sâu”, thậm chí cả “bầy sâu” (một bộ phận không nhỏ) vào bộ máy nhà nước, thậm chí ở cấp cao?

Phải chăng là vì ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác, chúng ta đã “hành chính hóa” công tác cán bộ, không lượng hóa được các tiêu chuẩn, để xảy ra tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, hay là vì chưa thực sự dựa vào nhân dân để lựa chọn cán bộ, kiểm tra, giám sát cán bộ. Nếu để chỉ cán bộ kiểm tra cán bộ sẽ xảy ra ba trường hợp: Khách quan, bao che hoặc lợi dụng thanh trừng. Nếu nhân dân đánh giá, độ khách quan sẽ cao nhất. Ai tham lam, hay ăn của đút, ai sống không có đạo đức trong gia đình, lối xóm, nhân dân biết hết. Nâng cao vai trò của dân trong công tác cán bộ cũng chính là làm sâu sắc hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân.

Nói chuyện với đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng ngày 30-5-1957, Bác Hồ đã nói rất thẳng thắn, dễ hiểu: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng” (“Hồ Chí Minh: Toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tập 10, trang 572).

Nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang vào tháng 3-1961, Bác khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 10, trang 323).

Trong “Di chúc”, Bác tha thiết căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Sau khái niệm người cán bộ là “đầy tớ” hay “công bộc” của nhân dân, hàm ý sâu xa và trọng đại hơn nhiều: Đất nước này, chính quyền này là của nhân dân. Nhân dân đã hy sinh rất nhiều xương máu để giành độc lập, để dựng nên chính quyền. Vì vậy, phải thực hiện cho được quyền làm chủ thật sự của nhân dân.

Những vụ án tham nhũng lớn như chúng ta thấy vừa qua là sự phản bội lại lợi ích của nhân dân. Những gì thuộc về cơ chế, chính sách, cái gì chưa phù hợp sẽ phải được sửa đổi và sửa đổi theo thực tế khách quan là một tất nhiên. Nhưng ở phương diện cá nhân, mỗi người đều có thể hành thiện, không hùa theo cái ác để rồi tự diễn biến, tự chuyển hóa. Bước thứ nhất của tự diễn biến, với người cán bộ, đã là bước đi khó có thể quay đầu làm người lương thiện, bước đi tự đào huyệt chôn mình và đôi khi kéo cả gia đình, người thân vào tử huyệt.

Tôi tâm đắc với những lời giản dị của Điều 4, Điều 5 trong Quy định 144: “Không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”; “Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên”.

Đúng vậy, điều cốt yếu của người cán bộ, suy cho cùng chỉ ngắn gọn là người biết giữ gìn phẩm giá của con người, vì yêu thương con người mà có ham muốn cống hiến, thấy vinh quang và hạnh phúc trong sự cống hiến ấy, chứ không làm chính trị để hại người, trục lợi!

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top