ĐBP - Từ ngày 24 - 25/6, đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quản trị an ninh và an ninh phi truyền thống theo hình thức trực tiếp với cán bộ cấp tỉnh và trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố.
Giảng viên báo cáo chuyên đề là giáo sư, tiến sĩ Viện An ninh phi truyền thống, Trường Đại học Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nội dung các chuyên đề ngoài kiến thức chung gắn với nhận định tình hình và thực tế của tỉnh Điện Biên để có nhận định toàn diện, sát thực tế trong xử lý các vấn đề an ninh và an ninh phi truyền thống.
Học viên được truyền đạt những nội dung, kiến thức, kỹ năng về quản trị an ninh và quản trị an ninh phi truyền thống như: Tổng quan về an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống; xử lý điểm nóng chính trị, điểm nóng xã hội, giải quyết các xung đột xã hội và phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội; phát triển kinh tế và quản trị an ninh kinh tế; quản trị an ninh tài nguyên, môi trường và du lịch; phòng ngừa và đối phó với khủng hoảng dịch bệnh; quản trị an ninh biên giới, an ninh tôn giáo, dân tộc và bảo đảm quốc phòng, an ninh, một số thời cơ, thách thức và vấn đề mới cần chú ý trong xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên nhằm xây dựng chiến lược để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, thể chế và bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa an ninh truyền thống trong giai đoạn hiện nay; thực hiện chuyển đổi số.
Thông qua lớp bồi dưỡng kiến thức quản trị an ninh và an ninh phi truyền thống, các học viên được củng cố kiến thức, nâng cao năng lực thực tiễn, giúp nâng cao năng lực lãnh đạo ở từng vị trí, lĩnh vực công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần xây dựng môi trường ổn định, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Mùa A Sơn đề nghị học viên sắp xếp, bố trí thời gian thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình lớp học, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, lĩnh hội toàn diện những nội dung được truyền đạt. Chủ động tự nghiên cứu chuyên đề, các tài liệu để mở rộng phạm vi nghiên cứu, liên hệ với thực tiễn công tác của địa phương, đơn vị; tăng cường trao đổi, tương tác đa chiều giữa giảng viên với học viên, giữa các học viên trong lớp. Tích cực trao đổi, thảo luận những vấn đề mới, đặc biệt là những khó khăn, phức tạp tại địa phương, cơ sở.