Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết cùng tiến bộ

18:56 - Thứ Hai, 24/06/2024 Lượt xem: 3954 In bài viết

ĐBP - Với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân; 5 năm qua, thành phố Điện Biên Phủ đã thực hiện hoàn thành cơ bản các mục tiêu Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ III đề ra. Chất lượng đời sống về mọi mặt của đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…

Nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa đã được thành phố tổ chức trong 5 năm qua, góp phần nâng đời sống tinh thần, bảo tồn văn hóa truyền thông đồng bào DTTS. Trong ảnh: Khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc TP. Điện Biên Phủ lần thứ IX, năm 2023.

Những năm qua, công tác dân tộc luôn được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm. Các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác dân tộc, chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi… đều được tuyên truyền, triển khai kịp thời, đồng bộ từ cấp thành phố đến cơ sở. Đặc biệt là, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 10/12/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - thực hiện xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 22/11/2023 của Tỉnh ủy Điện Biên về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới... Thành ủy Điện Biên Phủ đã ban hành Chương trình số 28-CTr/TU, ngày 6/12/2021 về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29/7/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Người Thái ở bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ gìn giữ nghề thủ công mây tre đan truyền thống.

Hiện nay trên địa bàn thành phố có 14 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Kinh chiếm 62,47%, Thái 27,37%, Mông 5,49%, Khơ Mú 2,33%, Tày 0,97%, Nùng 0,42%, các dân tộc khác 0,95%. Đồng bào DTTS sinh sống tập trung ở 5 xã: Thanh Minh, Pá Khoang, Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng và một số bản của phường Nam Thanh, Thanh Trường, Him Lam, Noong Bua. Kinh tế chủ yếu của đồng bào DTTS là sản xuất nông nghiệp.

Để các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước kịp thời đi vào đời sống, công tác tuyên truyền được triển khai kịp thời. Thành ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách đối với công tác giảm nghèo vùng DTTS; khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của đồng bào. Phát huy vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với nhân dân các dân tộc của già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS; đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua, từ đó nhân rộng các mô hình điển hình tiêu biểu về mọi mặt (nỗ lực, sáng tạo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo; tổ chức, cá nhân có thành tích chung tay giúp người dân thoát nghèo, đặc biệt là hộ nghèo người DTTS...)

Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cũng tập trung chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với đồng bào DTTS; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội dành cho đồng bào và vùng đồng bào DTTS; thực hiện đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đối với người DTTS.

Được thụ hưởng từ nhiều chương trình, dự án đầu tư cho phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, cùng với sự nỗ lực vươn lên, nhiều bản làng đổi thay từng ngày, trở lên khang trang, sạch đep hơn. Trong ảnh: Một góc bản Che Căn, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ.

Thành phố cũng luôn có sự ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; linh hoạt sử dụng, lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án, vốn tín dụng để tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế từ tiềm năng văn hóa, xã hội...

Với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo triển khai kịp thời của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân; cơ bản các mục tiêu chủ yếu của Đại hội lần thứ III đề ra đã hoàn thành. Kinh tế của thành phố tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện tốt hơn. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trình độ sản xuất của nhân dân, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Đã có nhiều mô hình điển hình được tôn vinh, ghi nhận về phát triển kinh tế; giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; tham gia các hoạt động cộng đồng xã hội… do chính người DTTS làm chủ.

Các vấn đề xã hội được giải quyết có hiệu quả, nhất là xóa đói giảm nghèo. Mức thu nhập và đời sống của nhân dân được cải thiện nhiều mặt, an ninh xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn, hoạt động có hiệu quả. Đồng bào DTTS tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực sản xuất xây dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Nhiều chính sách, chương trình, dự án được đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, phù hợp, có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Nông dân phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ thu hoạch lúa mùa.

Trong 5 năm qua, thành phố đã kêu gọi nguồn lực xã hội góp sức chung tay làm mới và sửa chữa 288 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 11,7 tỷ đồng (trong đó, 282 hộ nghèo là DTTS, chiếm 98%). Giai đoạn từ 2019 - 2024 thành phố cũng đã tạo việc làm mới cho 12.500 lao động; trong đó, lao động là người DTTS chiếm 35%. Từ năm 2020 - 2024, thành phố hỗ trợ tiền điện cho 8.026 lượt hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, hộ ở vùng chưa có điện lưới, với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023 thành phố chỉ còn 17 hộ DTTS là hộ nghèo, 144 hộ cận nghèo. 

Hiện nay, 100% dân số thành phố được sử dụng điện, hầu hết các tuyến đường phố đều có điện chiếu sáng công cộng; 100% hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khi có nhu cầu đều được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; 74,14% khu dân cư có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 90% số bản đạt danh hiệu văn hoá; 93,5% số bản có đội văn nghệ. Tỉ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình của thành phố hiện đạt 100%, internet 98% đến các bản; duy trì hỗ trợ phát triển 7 bản văn hóa du lịch trên địa bàn.

Thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TP. Điện Biên Phủ xác định, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Vận động nhân dân giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tất cả vì mục tiêu, chung sức, đồng lòng xây dựng TP. Điện Biên Phủ “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng lợi thế, hội nhập và phát triển bền vững” như chủ đề Đại hội Đại biểu các DTTS thành phố Điện Biên Phủ lần thứ IV, năm 2024 diễn ra hôm nay (24/6/2024).

Mai Thủy
Bình luận

Tin khác

Back To Top