Cân nhắc kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng

14:22 - Thứ Ba, 25/06/2024 Lượt xem: 2866 In bài viết

Sáng 25-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Lo ngại trách nhiệm pháp lý của văn phòng công chứng tư nhân

Trao đổi về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng quy định tại Điều 20, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, dự án Luật kế thừa các quy định hiện hành. Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 20 của dự thảo Luật quy định văn phòng công chứng được tổ chức, hoạt động theo loại mô hình là công ty hợp danh.

Theo đại biểu, quy định trên vẫn còn nhiều băn khoăn vì trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là phù hợp. Một mặt, vừa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này.

Hiện nay, đối với những nơi trên, việc thành lập, duy trì mô hình công chứng với hai công chứng viên là không cần thiết, có thể gây lãng phí nguồn lực công chứng viên và nguồn thu để bảo đảm hoặc duy trì hoạt động của tổ chức với hai công chứng viên là rất khó. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Quan tâm đến mô hình tổ chức của văn phòng công chứng quy định tại Điều 20 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị nên cân nhắc, bởi các văn phòng công chứng tư nhân do một số công chứng viên thành lập có thể có các công chứng viên hợp đồng, nhưng họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hoạt động của văn phòng công chứng.

Hiện nay, các địa phương được xem xét, quyết định việc chuyển giao các hợp đồng giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng nếu đủ điều kiện, nên các địa phương có thể chủ động trong việc phân bố các tổ chức hành nghề công chứng… Từ những lý do trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng, chỉ nên duy trì mô hình văn phòng công chứng hợp danh để bảo đảm trách nhiệm pháp lý của văn phòng đối với các cơ quan, tổ chức và khách hàng của văn phòng công chứng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng bày tỏ quan tâm tới nội dung về mô hình công chứng. Đại biểu đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng do một thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân nhằm khắc phục những bất cập ở địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa. Đối với khu vực đô thị, đại biểu thống nhất với dự thảo có từ hai công chứng viên trở lên.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) đề nghị, dự thảo Luật nên cho phép mở các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Qua đó, tạo điều kiện thành lập các văn phòng công chứng ở những địa bàn còn thiếu hoặc cho phép các cá nhân, pháp nhân góp vốn vào văn phòng công chứng nhằm tăng nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho văn phòng công chứng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Rà soát quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) quan tâm tới quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, bởi tại Khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật có quy định: "Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký tên và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản".

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa tương thích với Khoản 1 Điều 401 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, Bộ luật Dân sự quy định theo hướng các bên có thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng vào một thời điểm khác với thời điểm giao kết, trừ khi luật liên quan có quy định khác.

Đồng thời, quy định như dự thảo Luật cũng chưa tương thích với Khoản 1 Điều 643 của Bộ luật Dân sự rằng, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế chứ không phải có hiệu lực từ thời điểm công chứng viên ký tên và đóng dấu của tổ chức hành nghề vào di chúc.

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định về hiệu lực trong trường hợp ngoại lệ là luật liên quan có quy định khác - như Bộ luật Dân sự đã quy định và sửa Khoản 1 Điều 5 thành: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký tên và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến công chức bản dịch, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, tờ trình của Chính phủ có nêu việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi hoạt động công chứng. Tuy nhiên, công chứng viên vẫn được giao chứng nhận bản dịch bằng hình thức chứng thực chữ ký của người dịch.

Đại biểu cho rằng, quy định ở Điểm c, Khoản 1 Điều 16 là đúng, thuận lợi cho người đi làm công chứng. Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn với việc quy định chặt chẽ hơn đối với người dịch. Đại biểu cho biết, Khoản 3, Điều 46 đã quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của người dịch, trong đó nêu rõ người dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc dịch của mình. Đại biểu cho rằng, quy định về người dịch, bản dịch, hoạt động dịch trong hoạt động công chứng như vậy đã đầy đủ và hợp lý.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Về mô hình của tổ chức hành nghề công chứng, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2006, chúng ta mở ra hai mô hình, sau đó khi tổng kết thực hiện nhận thấy không phù hợp. Hiện nay, cả nước có khoảng 3.300 công chứng viên và 1.300 tổ chức hành nghề công chứng.

“Như vậy, trung bình có 2,5 công chứng viên đối với một tổ chức hành nghề, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm thông tin này để xem xét mô hình của văn phòng công chứng”, Phó Thủ tướng nêu.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận có 28 ý kiến phát biểu, trong đó có 4 ý kiến tranh luận. Còn 8 đại biểu đăng ký phát biểu và 1 đại biểu đăng ký tranh luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội và Thường trực Ủy ban Pháp luật để tổng hợp, nghiên cứu và các cơ quan, tổ chức có liên quan hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tám.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top