Cần có chiến lược đưa di vật, cổ vật nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước

11:41 - Thứ Tư, 26/06/2024 Lượt xem: 3441 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (26/6), kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu chủ trì phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến, Thượng toạ Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh Điện Biên nhận định, việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sau hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm di sản tư liệu trong lần sửa đổi này. Di sản tư liệu với nội hàm là di sản văn hóa được thể hiện dưới dạng tư liệu có giá trị đối với một cộng đồng, một nền văn hóa, một quốc gia hay đối với nhân loại nói chung.

“Mặc dù chúng ta có thể tìm thấy di sản tư liệu ở đâu đó trong cả hai dạng thức: di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Song, tôi ủng hộ việc tách di sản tư liệu ra thành một loại hình di sản mới. Có như vậy mới đáp ứng việc nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu ở nước ta hiện nay và mở ra hướng phát triển trong tương lai” - Thượng toạ Thích Đức Thiện nêu ý kiến.

Đại biểu cho biết, việc tách di sản tư liệu thành một loại di sản mới phù hợp với các chương trình của UNESCO như chương trình ký ức thế giới thiết lập năm 1992 và di sản tư liệu thế giới. Đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp và cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản tư liệu cũng như hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Việt Nam tới đông đảo cộng đồng trong nước và quốc tế.

Thượng toạ Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, dự thảo Luật quy định Nhà nước bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo quan tâm quy định cho các trường hợp đặc thù đó là di sản văn hóa Phật giáo nói riêng và di sản văn hóa tôn giáo nói chung.

Thượng toạ Thích Đức Thiện thông tin, Phật giáo Việt Nam với hơn 2000 năm lịch sử đã trở thành một thành tố văn hóa không thể thiếu trong truyền thống văn hóa, văn hiến Việt Nam. Phật giáo đã tạo dựng phần lớn trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, ở cả lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu. Trong số 130 di tích quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố trên cả nước, Phật giáo có 15 di tích quốc gia đặc biệt, 829 di tích quốc gia và hơn 3.000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Di tích văn hóa Phật giáo chiếm 25-30% tổng số di tích trong cả nước. Bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và còn nhiều mộc bản ở các chùa đã được công nhận là bảo vật quốc gia...

“Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định các cơ sở tôn giáo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam trực tiếp quản lý, sử dụng và là người đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng. Do đó, dự thảo Luật cần quy định rõ ràng quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức tôn giáo trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong những trường hợp này” - Thượng toạ Thích Đức Thiện đề nghị.

Về quy định đăng ký di vật, cổ vật, dự thảo Luật quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi thường trú. Theo đại biểu, việc quy định đăng ký di vật, cổ vật là hết sức cần thiết. Qua đó, có thể quản lý, nhận diện qua mã số; hình thành bộ dữ liệu di sản; quản lý việc trao đổi, mua bán di vật, cổ vật; ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp di vật, cổ vật trong các di tích; cũng như ngăn chặn nạn chảy máu cổ vật ra nước ngoài. Đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định về mối liên hệ ràng buộc chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với lợi ích, quyền lợi của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật, cổ vật được đăng ký, có như vậy thì việc khuyến khích đăng ký mới có hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ cần có chiến lược hồi hương cổ vật, đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.

“Để thực sự khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, mua, hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước thì dự thảo Luật cần tính đến việc quy định miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được hồi hương về nước không vì mục đích trao đổi, mua bán, kinh doanh kiếm lời. Có như vậy mới thực sự thu hút nguồn lực cho hồi hương cổ vật về nước” - Thượng toạ Thích Đức Thiện đề xuất.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top