Tiếp thu tối đa ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

08:25 - Thứ Sáu, 28/06/2024 Lượt xem: 3237 In bài viết

Sáng 28-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, trước khi tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: media.quochoi.vn.

Thống nhất các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau phiên thảo luận tại kỳ họp thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và thành phố Hà Nội nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại phiên họp thứ 34 (tháng 6-2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật. Sau đó, dự thảo Luật tiếp tục được gửi lấy ý kiến của Chính phủ và thành phố Hà Nội. Cả 2 cơ quan đều thống nhất với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý được thể hiện trong hồ sơ dự thảo Luật.

Cụ thể, trước ý kiến đề nghị không quy định về áp dụng pháp luật mà nên thể hiện theo quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt, trong đó phân quyền mạnh mẽ cho một cấp chính quyền địa phương và có phạm vi áp dụng chủ yếu chỉ giới hạn trong địa giới hành chính và trách nhiệm quản lý của thành phố. Thực tế, do không có quy định về áp dụng pháp luật nên rất nhiều quy định đặc thù trong Luật Thủ đô năm 2012 đã bị "vô hiệu" bởi các luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành sau đó. Do đó, việc Chính phủ đề xuất có điều quy định riêng về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong Luật Thủ đô lần này là cần thiết, nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thi hành như đã nêu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để tạo sự chủ động cho các cấp chính quyền của thành phố thì trong dự thảo Luật không chỉ quy định về việc phân quyền mà cần có quy định về nguyên tắc phân cấp, ủy quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho chính quyền thành phố và giữa các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố với nhau.

Tuy Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có quy định về phân cấp, ủy quyền nhưng các quy định này chưa đầy đủ và có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hiện nay. Vì vậy, vẫn có một điều quy định về phân cấp, ủy quyền của các cơ quan thuộc thành phố, đồng thời xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cho bổ sung vào dự thảo Luật các nội dung quy định về phân cấp, ủy quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành với các cơ quan của thành phố Hà Nội.

Quang cảnh phiên thảo luận dự thảo Luật Thủ đô tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Ảnh: media.quochoi.vn.

Chỉnh lý về nội dung và kỹ thuật lập pháp

Về quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các nội dung mà đại biểu Quốc hội đề nghị là các yêu cầu cần phải bảo đảm trong quá trình tổ chức lập quy hoạch đã được quy định trong Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Việc xây dựng các đồ án Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô thời gian qua đã bám sát các yêu cầu này và Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các đồ án Quy hoạch này tại kỳ họp thứ bảy trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện đồng bộ với Luật Thủ đô, bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc cho phép thành phố được thu tiền khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD, thu phí cải thiện hạ tầng để bổ sung nguồn kinh phí tái đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị và giao thông công cộng nói chung, bù đắp một phần chi phí duy trì, sửa chữa và vận hành các hạng mục để kết nối khu vực nhà ga và khu vực TOD là cần thiết và cũng là tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển.

Dự thảo Luật xác định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm là biện pháp hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Điều này xuất phát từ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô nên cần phải có các yêu cầu cao hơn trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là về phòng cháy, chữa cháy, lấn chiếm đất công, xây các công trình trái phép.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc dự thảo Luật xác định đây là biện pháp để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp.

Ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp trong các quy định của dự thảo Luật.

“Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương và 54 điều, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; đồng thời, bám sát 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top