Sinh hoạt tư tưởng

Khi dân không còn lên tiếng

07:38 - Thứ Tư, 03/07/2024 Lượt xem: 3550 In bài viết

ĐBP - Cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của bản A. đã hoàn thành khá sớm. Tuy nhiên trong lòng ông Bình, một đảng viên là cán bộ xã về hưu thì cảm thấy không yên. Ông Bình tâm sự với người bạn thân của mình rằng, đó là một cuộc họp cho xong, với cả ban tổ chức và người tham dự.

- Sơ kết 6 tháng với 1 bản gần trăm hộ dân, đa số làm nông nghiệp, ở trong giai đoạn mới với nhiều chương trình, dự án đã và đang đồng loạt triển khai. Một bản nằm ở vùng giáp ranh thành thị, nông thôn, nhiều cơ hội cũng như thách thức về mọi mặt: Văn hóa, xã hội, kinh tế… Vậy mà, tất cả nội dung báo cáo, dự kiến kế hoạch, không ai tham gia góp ý, phản biện điều gì. Một vài ý kiến, cũng chỉ là gọi rồi thì tiện hỏi vài chi tiết chưa rõ cho qua… Đây là dấu hiệu đáng lo phải không ông?

- Đúng, trong lòng ông rõ rồi còn gì. Các cuộc họp bản ông đều thế cả hay sao?

- Trước còn đang công tác, chủ yếu bà nhà tôi đi họp. Giờ nghỉ hưu, tôi tham gia nhiều hơn, nhưng cũng không phải là tất cả. Chỉ một vài cuộc họp gần đây tôi mới chú ý; bà con tham gia đóng góp ý kiến ngày càng ít đi. Cũng có ý kiến được người dân nêu lên với tâm thái kiểu “nói cho đỡ bực chứ chả ích gì đâu”. Một vài lần tôi nói chuyện, tìm hiểu về quan điểm, suy nghĩ của bà con về việc này, việc khác ở bản; rồi hỏi sao không phát biểu ý kiến đề xuất khi họp hành bàn bạc; nhưng ai cũng đều khua tay bảo, thôi bỏ qua đi. Trước đây, nhiều việc dân ý kiến, bản đã tiếp thu, ghi nhận, nhưng không điều chỉnh trong thực tế. Những việc, có ý kiến khác nhau, lãnh đạo chẳng biết quyết ra sao, rồi cuối cùng lại trở về như cũ. Sau nhiều lần ý kiến không hiệu quả chỉ thêm căng thẳng, mất thời gian… các cuộc họp gần như chỉ để điểm danh.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Câu chuyện của ông làm tôi nhận ra, từ trước tới nay mình chưa thực sự suy ngẫm cho kỹ về điều này. Như tình huống ở bản ông, dân không phải không được lên tiếng, mà là họ không còn muốn lên tiếng nữa. Vì họ không tin rằng ý kiến của mình có giá trị, được tôn trọng, được lắng nghe và có hi vọng thay đổi tiến bộ...

Không biết ông có cùng suy nghĩ với tôi hay không; nhưng tôi cho rằng, đã đến mức, dân không còn muốn đề xuất, tham mưu, phê bình, góp ý gì nữa là nghiêm trọng rồi. Hậu quả này, bắt đầu từ nhiều “bệnh” chứ không chỉ có “bệnh” dân chủ hình thức…

Thảo Vi
Bình luận

Tin khác

Back To Top