Những “cánh tay” đắc lực phòng chống tà đạo ở Mường Chà

08:30 - Thứ Sáu, 19/07/2024 Lượt xem: 3304 In bài viết

ĐBP - Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, những chức sắc, chức việc, trưởng nhóm đạo đang là “cánh tay” đắc lực trong phòng chống tà đạo trên địa bàn huyện Mường Chà.

Lãnh đạo Huyện ủy Mường Chà gặp gỡ, trao đổi với các chức sắc, chức việc, trưởng nhóm đạo.

Phát huy uy tín

Sau nhiều năm “mù quáng” theo tà đạo “Bà Cô Dợ”, anh Vừ A Vó, bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ mới lại thắp nén hương cho ông bà, tổ tiên, cầu bình an cho gia đình. Sợi dây kết nối con cháu với tổ tiên, tín ngưỡng truyền thống của người Mông là bàn thờ và tục thờ cúng đã bị cắt đứt khi anh nghe lời dụ dỗ, đi theo tà đạo “Bà Cô Dợ”. Sau khi được tuyên truyền, khuyên giải; nhận ra sự sai lầm, vợ chồng anh Vó đã từ bỏ hẳn tà đạo để chuyên tâm làm công nhân, xây dựng kinh tế gia đình ổn định. Mới đây, 5 thành viên trong gia đình đã dọn về ở căn nhà mới do huyện hỗ trợ xây dựng.

Nhớ lại khoảng thời gian “đáng xấu hổ” đó của gia đình con trai, ông Vừ A Vư, Trưởng nhóm đạo Tin lành bản Hồ Chim 2 chia sẻ, bản thân là chức sắc đạo Tin lành, có nhà cửa đàng hoàng là nơi hàng tuần hành lễ, chăm sóc đời sống tôn giáo cho hơn 270 đạo hữu trong khu vực. 8 người con của ông theo đạo chính thống, đúng nghĩa kính Chúa, yêu nước. Ấy vậy mà khi tà đạo “Bà Cô Dợ” xuất hiện, gia đình có 1 người con trai là Vừ A Vó bị lôi kéo đi theo.

Trong quá trình khuyên nhủ con trai cũng như con dâu, ông Vư thậm chí còn được tuyên truyền ngược lại rằng, nếu hoạt động tích cực trong giáo phái “Bà Cô Dợ” thì một ngày sẽ lập được “vương quốc Mông”, có cuộc sống an nhàn mà không phải lao động. Và đã có người nhận được tài trợ để mua sắm thiết bị thu phát wifi, máy tính, điện thoại nhằm mục đích quay lại các buổi sinh hoạt rồi gửi cho số đối tượng ngoài nước tuyên truyền, lôi kéo thêm nhiều người tham gia.

Ròng rã hơn 3 năm, ông Vư tích cực phối hợp cùng lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, thuyết phục. Khi được cán bộ công an phổ biến, ông Vư biết cách chỉ ra cho các con và những tín đồ “lầm đường” khác về điều bất hợp lý, phản khoa học của “Bà Cô Dợ”, đi ngược với bản chất nhân đạo của các tôn giáo chính thống khác. Từ đó kiên trì thuyết phục gia đình con trai từ bỏ thành công tà đạo, lấy đó làm gương để vận động nhiều tín đồ khác quay về sinh hoạt tôn giáo chính thống.

Đồng bào có đạo huyện Mường Chà yên tâm, ổn định cuộc sống. 

Nối dài những “cánh tay” ở cơ sở

Theo thống kê từ Công an huyện Mường Chà, hiện nay tại 12/12 xã, thị trấn có 72/110 bản, tổ dân phố với 1.965 hộ, trên 11.700 nhân khẩu là tín đồ tôn giáo hoặc ảnh hưởng bởi tôn giáo. Thời gian qua, huyện Mường Chà đã tích cực trong công tác chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng.

Từ năm 2021 đến nay, địa phương đã chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 42 điểm nhóm, nâng tổng sổ điểm nhóm được chấp thuận lên 73 điểm. Tổ chức khảo sát, nắm tâm tư nguyện vọng của các hệ phái, điểm nhóm và cử 68 lượt chức sắc, chức việc, trưởng các điểm nhóm tham gia các lớp hướng dẫn thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, nâng cao kiến thức, hiểu biết và kỹ năng tuyên truyền, vận động của họ trong việc hướng lái người dân, tín đồ sinh hoạt tôn giáo ổn định.

Ông Nguyễn Quang Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn quan tâm hướng dẫn, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của các hệ phái, điểm nhóm tôn giáo. Từ đó tạo sự đồng thuận trong chức sắc, chức việc tôn giáo và đồng bào có đạo, yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với chức sắc, chức việc, trưởng nhóm đạo được huyện quan tâm nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của tín đồ theo đạo.

Đến nay, huyện Mường Chà đã tranh thủ trên 75 lượt, với 30 người là chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo, 3 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động, đấu tranh, xóa bỏ tà đạo “Bà Cô Dợ”. Củng cố tình đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo, cùng nhau phát huy các giá trị tốt đẹp của tôn giáo để xây dựng đời sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top