Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Cuộc đời thuộc về Đảng, Tổ quốc, nhân dân

07:15 - Thứ Bảy, 20/07/2024 Lượt xem: 3696 In bài viết

Trên cõi nhân gian, ai cũng phải đi qua vòng đời sinh - lão - bệnh - tử. Khi sinh ra, chưa ai biết số mệnh của mình nhưng khi trưởng thành, nhờ có mạch nguồn lịch sử, văn hóa dân tộc, được thụ hưởng giáo dục gia đình, đắm mình trong môi trường đầy thăng trầm lịch sử dân tộc và thế giới, nhờ sự nỗ lực phấn đấu, trải nghiệm, được rèn luyện trong hoạt động chính trị, mà có thể thành danh, định vị vai trò đối với đất nước.

Những cống hiến vì nghĩa lớn, dù ngắn ngủi trong cuộc đời mỗi người, sẽ tạc vào sử sách và nhân tâm một chân dung bất tử. Khi từ biệt cõi trần gian, sẽ được người đời sau mãi khắc ghi công lao và khâm phục nhân cách.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ngày 18/5/2024. Ảnh: TTXVN

* * *

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trường hợp đặc biệt, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao trọng trách trong thời điểm có nhiều biến động thời cuộc. Đồng chí đã không phụ lòng đồng bào của mình, hết lòng tận trung với Đảng, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và người dân lên trên hết.

Với hơn 80 năm cuộc đời, hơn nửa thế kỷ bước vào môi trường công chức, không ngừng học tập, nghiên cứu, rèn luyện, phấn đấu, được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, để gần 20 năm cuối đời, vận nước và vai trò cầm quyền của Đảng được trao cho đồng chí. Hơn một nhiệm kỳ đồng chí là Bí thư Thành ủy Hà Nội, hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội, gần ba nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với gần nửa nhiệm kỳ vừa giữ chức Tổng Bí thư, vừa giữ chức Chủ tịch nước, đồng chí là một trong những lãnh tụ Đảng giữ nhiều trọng trách, thời gian lâu nhất qua gần 40 năm đổi mới đất nước.

Dấu ấn của đồng chí đọng lại như những giọt sương tinh khiết, long lanh trên búp sen dưới nắng ban mai. Gia tài hoạt động cách mạng của đồng chí là những đóng góp lớn lao, tạo nên những giá trị văn hóa chính trị vừa giữ được cội nguồn lịch sử, vừa sáng tạo những giá trị văn minh hiện đại, không chỉ cho bản thân, mà còn cho những giá trị nhân văn phổ quát, giữ được thanh danh của đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước bằng đạo đức, văn minh.

Ngoài những giá trị nêu trên, đồng chí chẳng tích lũy cho riêng mình cùng gia đình, dòng họ tài sản kếch xù về vật chất, cũng không đôn đáo đưa con cháu vào vòng danh lợi. Ngày ngày, đồng chí vẫn lưu thông trên chiếc xe đời cũ, không hú còi inh ỏi đường phố. Ngôi nhà đồng chí sinh sống gần hồ Thiền Quang chẳng phải biệt phủ sang giàu. Huân chương Sao Vàng mà đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng là phần thưởng thiêng liêng, cao quý nhất, thực sự xứng đáng là con cháu Bác Hồ.

Điểm lại những lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có nhiều điều hàm chứa triết lý nhân sinh quan, thế giới quan, giao hòa văn hóa với chính trị, đề cao lý tưởng và đạo đức cách mạng, phảng phất chất văn hiến kinh kỳ. Trong đó, đáng lưu ý có những câu: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tiền bạc, tài sản còn có thể thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả.

Đây là sự thấm đẫm triết lý sống theo lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, được gửi thông điệp từ hình tượng người thanh niên cộng sản Xô Viết (qua tác phẩm kinh điển giáo dục đạo đức cách mạng “Thép đã tôi thế đấy”, trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, cộng hưởng nên hào khí thời đại: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”).

“Tiền bạc lắm mà làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. Đây là thông điệp của một nhân cách cao đẹp, được đúc kết qua cả cuộc đời học tập, rèn luyện, trải nghiệm, cống hiến của người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lời nói luôn đi đôi với việc làm, làm toàn những việc tốt, việc thiện và hành động cách mạng nhiều hơn nói, đạo đức chính là nêu gương hành động cho lý tưởng cách mạng cao đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng đã trao truyền.

Cách đây hơn 2 thế kỷ, nhà bác học Lê Quý Đôn từng khẳng định: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/Chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là người yêu sách, ham đọc sách, học hỏi kiến thức, làm giàu kho báu tri thức cho đời mình, mà đồng chí còn nghiên cứu chuyên sâu lý luận chính trị, lý luận xây dựng Đảng, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn, đúc kết thực tiễn, chắt lọc tri thức nhân loại, bổ sung, hoàn thiện, nâng tầm hệ thống lý luận cách mạng, làm phong phú nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cùng với những thông điệp giàu tính nhân văn chính trị nêu trên, toàn bộ những bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, đặc biệt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, cùng các cơ quan liên quan làm thành những pho sách đồ sộ, di cảo cho đời sau nghiên cứu, học tập. Có thể khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận sâu sắc nhất của Đảng ta hiện nay, những tác phẩm của đồng chí hội đủ tầm nhìn chiến lược về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về những giá trị chuẩn mực của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã và đang kiên định, nỗ lực phấn đấu, dựng xây cơ đồ dân tộc cường thịnh, đặt sứ mệnh lịch sử cho Đảng phải tiền phong, gương mẫu, soi đường chỉ lối, hành động quyết liệt để hiện thực hóa khát vọng dân tộc độc lập, tự do, giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

Cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức dung dị, nhưng trí tuệ và nhiệt huyết rất uyên thâm. Tính thuyết phục, cảm hóa của đồng chí không chỉ ở ngôn từ diễn đạt khúc chiết, minh tuệ, dễ nghe, dễ tiếp nhận, dễ thấu hiểu, mà điều quan trọng là hành động của đồng chí dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều toát lên phong thái ung dung, tự tại, điềm đạm, làm chủ bản thân, làm chủ tình huống, nhất là trong giao tiếp, ứng xử với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, kể cả ở xứ người hay ở nước mình. Thông qua cử chỉ, hành vi, lời nói của đồng chí, các đối tác cảm nhận được tầm vóc trí tuệ Việt Nam, người dân yêu nước Việt Nam thấy tự hào, tự tôn dân tộc. Đạo đức cách mạng của đồng chí là sự hài hòa tự nhiên giữa những giá trị nhân văn, nhân bản, đạo lý dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Mới đây, trên trang tin điện tử của Tạp chí Tuyên giáo và các trang tin chính thống khác đã đăng tải nhiều hình ảnh hoạt động tiêu biểu, mang dấu ấn gần dân, trọng dân, quý dân, càng khơi gợi tình cảm trân quý của người dân dành cho lãnh tụ. Trong chủ trì điều hành hoạt động của Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ tính dân chủ, bản lĩnh chính trị của người đứng đầu Đảng, cẩn trọng, quyết liệt, giải quyết thấu đáo những mối quan hệ lớn giữa Đảng với Nhà nước, giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Việt Nam với thế giới, trong đó nhân dân là cầu nối và trung tâm của mọi quyết sách chính trị, tính tự tôn dân tộc luôn được bồi đắp. Đó là những giá trị đạo đức dựa trên nền tảng tư tưởng “Dân là gốc”, đặt bản thân người cầm quyền vào cuộc sống thực tại đầy bất trắc, lấy niềm mơ ước của người dân và tương lai dân tộc làm lẽ sống. Những lần mà giọng đồng chí nghẹn ngào nhất, thường là nói về những khuyết điểm nghiêm trọng của cán bộ có chức, có quyền gây hệ lụy mất thanh danh của Đảng, gây họa cho nước, cho dân.

Những điều gây xúc động nhất trong con tim, khóe mắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lúc đồng chí nói về giá trị đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt người cộng sản cùng cử chỉ ân cần mà đồng chí có được chính là lúc đồng chí được nắm tay người dân, bồng trẻ thơ, thăm cảnh đổi mới ở địa phương.

Khi đến thăm cô giáo cũ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng chí không cao đạo mà rất từ tốn, lễ phép, đúng đạo lý tôn sư trọng đạo. Sự đăm chiêu, đau đáu hiện trên khuôn mặt, xoáy vào tâm can đồng chí là những lúc nghĩ về vận nước, nghĩ về sự trao truyền lòng tin cho thế hệ kế cận. Cho nên, từng có lúc đồng chí muốn được nghỉ ngơi, dưỡng tuổi già cùng gia đình, con cháu, cộng đồng, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân vẫn cố níu kéo đồng chí làm người lái đò tiếp tục đưa đồng bào ta tới bến quang vinh, cập bờ hạnh phúc. Nên, đồng chí không được chút thảnh thơi, ngơi nghỉ, mỗi khi đồng chí vắng hình trên ti vi, cán bộ, đảng viên và người dân yêu nước cảm thấy bồn chồn, lo lắng, cầu mong cho đồng chí trường thọ, thêm sức dẻo dai, chèo lái con thuyền đổi mới đi xa hơn nữa, mau tới đích tương lai tươi sáng.

Áp lực công việc ngày càng nhiều và phức tạp, trong khi sức lực và tuổi cao khó cưỡng lại mệnh trời, buộc đồng chí phải điều trị tích cực, rồi những tin trên báo, đài liên quan tới sức khỏe của đồng chí đã khiến cho lòng dân không khỏi bùi ngùi. Đất nước đang ở giao thời chuyển giao thế hệ, ngặt một nỗi lại đúng vào thời điểm chính trường có nhiều biến động, ai nặng lòng với nước đều tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mong có một phép màu đưa đồng chí hồi sinh giống như sau sự cố xảy ra ở Kiên Giang mấy năm trước. Trạng thái tâm lý chung của đông đảo các giai tầng xã hội trong nước, nhất là cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, người dân Thủ đô rất xúc động, nuối tiếc một người con của Thủ đô, một nhà lãnh đạo xuất chúng, đủ tài năng, bản lĩnh và đạo đức để đứng mũi chịu sào đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vững vàng vượt cơn gió ngược thời đại.

Nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm nhận được điều đó, ắt hẳn đồng chí sẽ rất vui và cảm thấy thanh thản khi về cõi vĩnh hằng với Bác Hồ và các bậc tiền bối cách mạng. Cuộc đời đồng chí đã cống hiến cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân, làm vinh danh cho Thủ đô ngàn năm văn hiến. Lòng dân Thủ đô và đồng bào cả nước luôn dành cho đồng chí tình cảm sâu nặng, sự tri ân cao dày.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự hội nghị tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 - trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Viết Thành

* * *

Khi nghe Thông cáo trên Đài Truyền hình Việt Nam, nhìn chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dân yêu nước như vỡ òa, dâng trào niềm tiếc thương. Rồi đây, xe mây gió hạc sẽ đưa đồng chí về miền cực lạc, để lại niềm tiếc thương vô hạn của những con người biết lẽ đúng sai trên đời, biết trân quý những người một đời sống cho quê hương, đất nước. Người dân Thủ đô cùng đồng bào cả nước kính cẩn nghiêng mình trước một nhân cách lớn, vĩnh biệt đồng chí, nắng gió trời quê và khí thế đổi mới của Đông Anh - Hà Nội, của Việt Nam sẽ ru mãi giấc ngàn thu cho đồng chí.

Noi gương đồng chí, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Thủ đô - nơi đồng chí thuộc về những giá trị linh thiêng, được hun đúc, trao truyền từ ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thực hiện di nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào Thủ đô mãi khắc ghi tình cảm đặc biệt mà đồng chí luôn cất trong sâu thẳm tiềm thức để dành cho nơi đồng chí sinh ra và trở về; nguyện một lòng tin tưởng son sắt với Đảng, đoàn kết, chung sức đồng lòng, gương mẫu đi đầu xây dựng Thủ đô ta xứng danh Anh hùng, văn hiến, văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Như thế là sự báo đáp công ơn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người con của Thủ đô ngàn năm văn hiến, mãi thuộc về Đảng, Tổ quốc, nhân dân. Xin lần cuối thắp nén hương lòng, cùng câu Kiều để vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

PGS.TS Trần Viết Lưu

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top