Bộ Nội vụ đề xuất quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ

14:21 - Thứ Ba, 23/07/2024 Lượt xem: 2808 In bài viết

Bộ Nội vụ vừa đề xuất quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ gồm 5 bước.

Quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06 của Chính phủ về kiểm định chất lượng đầu vào công chức mà Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ.

Nội dung này được dư luận quan tâm, đặc biệt đối với các đề xuất sửa đổi về quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ.

Theo Bộ Nội vụ, quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ sẽ được tiến hành theo 5 bước và các hội nghị chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt.

Dự thảo quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm: Người trong diện được bổ nhiệm phải có đủ văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu, được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc tương đương trở lên.

Đồng thời, có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 2 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn.

Dự thảo đưa ra quy trình 5 bước và các hội nghị chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt. Tỉ lệ phiếu được tính trên tổng số người triệu tập.

Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1), được tổ chức để xem xét danh sách quy hoạch, rà soát kết quả đánh giá, nhận xét đối với từng nhân sự và thông qua danh sách đủ điều kiện.

Bước 2: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Người đạt số phiếu cao nhất trong số người đạt tỉ lệ trên 50% thì được lựa chọn.

Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì chọn tất cả người có số phiếu giới thiệu đạt từ 30% trở lên để giới thiệu ở bước tiếp theo.

Trong trường hợp không có người đạt đủ 30% số phiếu giới thiệu thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Bước 3: Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tập thể lãnh đạo tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Bước 4: Hội nghị cán bộ chủ chốt, được tổ chức để lấy ý kiến cán bộ chủ chốt theo danh sách nhân sự được giới thiệu ở bước 3.

Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 3) được triển khai để thảo luận và biểu quyết nhân sự.

Nguyên tắc lựa chọn là người đạt số phiếu cao nhất trong số người đạt tỉ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm.

Trường hợp 2 người có số phiếu ngang nhau đều đạt tỉ lệ 50% thì người đứng đầu xem xét, lựa chọn nhân sự để đề nghị bổ nhiệm; đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với quy trình bổ nhiệm nhân sự từ nơi khác sẽ được tiến hành theo 3 bước: Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo; gặp nhân sự được dự kiến bổ nhiệm để trao đổi; thẩm định về nhân sự và lập tờ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện nhưng cơ quan, đơn vị, hoặc nhân sự được dự kiến bổ nhiệm còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất thì phải báo cáo đầy đủ các ý kiến và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top