Khắc ghi lời dạy của Tổng Bí thư “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”

12:50 - Thứ Sáu, 26/07/2024 Lượt xem: 3497 In bài viết

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ để lại những tư tưởng lý luận lớn mà còn là tấm gương sáng ngời về nhân cách đạo đức của một người cộng sản kiên trung, trọn đời vì nước, vì dân.

Trong niềm tiếc thương vô hạn, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn đã vào viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Viết Thành

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng để lại nhiều câu nói nổi tiếng về đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó sâu lắng nhất là: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”!

Danh dự là điều còn lại sau cùng trong cuộc đời mỗi người

Trong rất nhiều lần phát biểu tại các hội nghị của các ngành, nhất là ngành Nội chính, Công an, Tòa án, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến danh dự của người cán bộ, đảng viên. Đáng chú ý nhất là lời phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính năm 2021: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”

Lời phát biểu đó trước hết mang tầm cao của tư duy lý luận khi nói về tính quy luật trong cuộc đời con người - mỗi người chỉ được sống một lần, khi chết đi không thể mang theo được gì, kể cả những thứ mà khi sống, họ đã vất vả, thậm chí đấu tranh, giành giật mới có được. Ngoài ra, trong lời phát biểu đó còn ẩn chứa cả những mong muốn, kỳ vọng của người đứng đầu Đảng ta đối với mỗi cán bộ, đảng viên, đó là phải sống cho có ý nghĩa để không phải ân hận, xót xa về vì những việc mình đã làm, phải luôn biết giữ gìn danh dự, uy tín của bản thân bởi đó mới chính là điều thiêng liêng, cao quý nhất.

Do vậy, lời phát biểu đó chính là sự kết tinh, hòa quyện của cả tư duy lý luận và sự đúc rút, tổng kết từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư trên nhiều cương vị công tác quan trọng trong suốt cuộc đời cống hiến cho Đảng, phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tư tưởng này cũng chính là sự kế thừa, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.

Dưới góc độ triết học, danh dự là một thành tố thuộc phạm trù đạo đức. Danh dự có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy con người làm điều thiện, điều tốt, ngăn ngừa điều ác, điều xấu. Vì vậy, người xưa trọng danh dự còn hơn cả mạng sống của mình vì danh dự mới là điều còn mãi: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”.

Là lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, V.I.Lênin cũng luôn coi trọng danh dự, đạo đức của người cộng sản. Theo V.I.Lênin, lý tưởng đạo đức cao quý nhất của người cộng sản luôn gắn bó với lý tưởng chính trị, là động lực thúc đẩy lý tưởng chính trị trở thành hiện thực cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do đó, V.I.Lênin luôn lưu ý rằng, mỗi cán bộ, đảng viên nếu không tự bôi nhọ đạo đức, thanh danh của mình thì không ai có thể hạ thấp được uy tín của họ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến đạo đức cách mạng, Người luôn răn dạy mỗi cán bộ, đảng viên phải biết giữ “thanh danh của Đảng” và “danh giá của mình” bởi: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Danh dự của con người không tự nhiên mà có, không phải từ trên trời rơi xuống hay dưới đất mọc lên mà là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phẩm chất và năng lực, giữa đức và tài, trong đó đức là gốc, là tổng hợp của quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu không mệt mỏi của mỗi người và sự chăm lo, giáo dục thường xuyên của tập thể, tổ chức Đảng thì mới có được và giữ được điều thiêng liêng, cao quý đó.

Điều làm nên danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên chính là đạo đức trong sáng, biết đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết. Điều đó giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên giữ được thanh danh của Đảng và thanh danh của chính mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Một Đảng, một dân tộc, mỗi con người hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn; không nhất thiết hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, kính trọng nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Một điều đặc biệt, cũng giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải biết giữ gìn, coi trọng danh dự mà chính đồng chí là tấm gương sáng mẫu mực về thực hành việc giữ gìn danh dự. Cả cuộc đời đồng chí Nguyễn Phú Trọng không có mưu cầu gì hơn là cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và luôn đau đáu, trăn trở về tình trạng một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Không ít lần phát biểu trong các hội nghị quan trọng liên quan đến công tác xây dựng Đảng, người đứng đầu Đảng ta phải ngừng lại, nhắc đến câu nói nổi tiếng của Pavel Korchagin - một nhân vật trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời; sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Đó không chỉ là lý tưởng sống, là danh dự của lớp thanh niên thế hệ Pavel, mà còn là danh dự, lẽ sống của biết bao người chân chính, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên.

Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Tổng Bí thư

Mặc dù Tổng Bí thư đã đi xa nhưng cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cùng những tư tưởng lý luận lớn, những lời căn dặn sâu sắc của đồng chí luôn còn mãi với dân tộc và nhân dân Việt Nam.

Lời dạy của Tổng Bí thư: Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất vừa tiếp thêm động lực cho mỗi cán bộ, đảng viên trên hành trình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của bản thân để tiếp tục cống hiến cho Đảng, cho đất nước song cũng chính là lăng kính để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa”, tự cảnh tỉnh bản thân nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian làm Tổng Bí thư (từ năm 2011 đến nay), người đứng đầu Đảng ta đã kí ban hành một số nghị quyết quan trọng liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; hay các quy định quan trọng như Quy định số 08-QĐi/TƯ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương (ngày 25-10-2018); Quy định số 37-QĐ/TƯ về những điều đảng viên không được làm (ngày 25-10-2021); Quy định số 144-QĐ/TƯ (ngày 9-5-2024) về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới…

Những quy định đó một mặt xuất phát từ sự coi trọng của Đảng ta với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng song mặt khác cũng xuất phát từ tình trạng suy thoái ngày càng nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị. Điều đó khiến Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải xác định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một cuộc chiến chống “giặc nội xâm” rất cam go, quyết liệt nhưng là một xu thế “không thể đảo ngược”!

Thấm nhuần lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần tiếp tục coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là xây dựng Đảng về đạo đức để gia tăng thêm sức mạnh nội lực cho Đảng, để Đảng ngày càng đạo đức, ngày càng văn minh, xứng đáng với niềm tin lớn lao của nhân dân đối với Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần phát huy hơn nữa tinh thần gương mẫu, ý thức “tự soi”, “tự sửa” để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn thanh danh cho mình, cho Đảng, có ý thức đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong Đảng cũng như biểu hiện tiêu cực của đồng chí, đồng đội mình. Đặc biệt, noi gương sáng của Tổng Bí thư về thực hành đạo đức cách mạng, trước mỗi công việc gì cũng luôn thận trọng, cân nhắc, làm việc, cống hiến hết mình bằng trái tim, khối óc, danh dự của người cộng sản chân chính.

Như quy luật tất yếu của tạo hóa, người cộng sản chân chính ấy đã đi xa nhưng “tiếng thơm còn mãi”! Danh thơm ấy được tạo nên không chỉ bởi trái tim, khối óc cùng bầu nhiệt huyết cháy bỏng mà còn bởi những lời chỉ dạy nhẹ nhàng mà sâu sắc đồng chí Tổng Bí thư để lại cho mỗi cán bộ, đảng viên.

Đời người chỉ sống có một lần nên phải luôn giữ gìn đạo đức, phẩm giá làm người bởi “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”!

Tiến sĩ Lê Thị Chiên 

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top