Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc với tỉnh Điện Biên

11:57 - Thứ Hai, 05/08/2024 Lượt xem: 14504 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (5/8), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh đã báo cáo khái quát với Phó Thủ tướng về tình hình thực hiện và những kết quả nổi bật thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của 26 đợt thiên tai. Hậu quả làm 9 người chết, 4 người mất tích, 12 người bị thương; 1.365 ngôi nhà bị thiệt hại; trên 1.719ha đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; 351 con trâu, bò và 25,33ha thủy sản bị cuốn trôi. Mưa lũ đã gây thiệt hại nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục. Ước tổng thiệt hại từ đầu năm đến ngày 2/8/2024 khoảng 256,5 tỷ đồng (riêng đợt mưa lớn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất từ ngày 23/7 - 2/8 thiệt hại khoảng 211,5 tỷ đồng).

Tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm chỉ tiêu đến năm 2025 có 45 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn xuống còn 32 xã; đối với các xã sau khi công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hưởng chế độ chính sách khu vực II, III ít nhất một năm sau khi có quyết định công nhận để đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn, đặc biệt đối với hộ dân tộc thiểu số, hộ mới thoát nghèo. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu hướng dẫn để các địa phương triển khai theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 "Đối với mua sắm cây trồng, vật nuôi và những hàng hoá dịch vụ do người dân trực tiếp sản xuất"; xem xét, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung để các hoạt động hỗ trợ con giống sinh sản cho người dân phát triển sản xuất được triển khai thực hiện trong các năm tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời kiến nghị của tỉnh Điện Biên về các dự án hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình MTQG.

Thành viên đoàn công tác của Phó Thủ tướng đã giải đáp, trả lời một số kiến nghị của tỉnh Điện Biên theo thẩm quyền. Đồng thời đề nghị tỉnh cần rà soát, bổ sung các khu vực xung yếu thay đổi địa hình, địa chất, các điểm tụ thủy và có phương án đối phó phù hợp; phát huy tối đa lực lượng trên địa bàn tham gia công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai và nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu nạn; tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn phù hợp với địa phương, chú trọng tổ chức diễn tập vào ban đêm. Kịp thời hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống; cải tạo, hỗ trợ sản xuất vùng thiên tai. Đối với triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất các chương trình MTQG, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong quá trình sửa đổi thông tư, hướng dẫn, dự kiến ban hành trong tháng 11/2024 để các địa phương có cơ sở thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn làm rõ tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh Điện Biên trong 6 tháng đầu năm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Điện Biên cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Tiếp tục rà soát, kiến nghị với Chính phủ về quy hoạch chung của tỉnh, trong đó chú trọng các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch; phát triển năng lượng tái tạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến báo cáo tình hình thiên tai và công tác khắc phục thiên tai trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Về công tác khắc phục thiệt hại thiên tai, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ khẩn cấp 10 tỷ đồng cho tỉnh Điện Biên khắc phục thiệt hại mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân vùng thiên tai. Đối với nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh Điện Biên có văn bản cụ thể trình Chính phủ xem xét và giải quyết trong thời gian sớm nhất. Các cơ quan chức năng tỉnh cần theo dõi diễn biến thời tiết, tăng cường công tác cảnh báo, dự báo; rà soát, chuẩn bị kịch bản, phương án đối phó với những sự cố thiên tai cực đoan; đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ; tăng cường công tác thông tin truyền thông đối với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và người dân.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top