Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND (Giải Diên Hồng) năm 2024:

Khắc phục bất cập, nâng cao hiệu quả HĐND cấp xã

14:15 - Chủ Nhật, 11/08/2024 Lượt xem: 2966 In bài viết

ĐBP - Tỉnh Điện Biên có 129 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 95 xã đặc biệt khó khăn, 29 xã biên giới. Những năm qua Hội đồng Nhân dân (HĐND) các xã, phường, trị trấn (gọi chung là cấp xã) trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng song vẫn còn những hạn chế về tổ chức, thẩm quyền, năng lực, hoạt động của đại biểu chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vì vậy, để nâng cao chất lượng HĐND cấp xã đòi hỏi nhiều giải pháp, cơ chế phù hợp để thực sự phát huy vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Bài 1: Nhìn thẳng, nói thật

HĐND cấp xã cũng có những chức năng cơ bản: giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Mặc dù có vai trò rất lớn, nhưng thực tế hoạt động của HĐND tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa phát huy đầy đủ vị trí, vai trò; chưa đáp ứng kỳ vọng của cử tri, người dân. Có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do bất cập trong cơ cấu kiêm nhiệm; chất lượng đại biểu, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Bất cập cơ cấu kiêm nhiệm

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri tỉnh Điện Biên đã bầu được 2.711 đại biểu HĐND cấp xã. Trong đó, đại biểu nữ chiếm 30,8%, dân tộc thiểu số chiếm 83,3%, trẻ tuổi 63,7%, ngoài đảng 18,8%... Đến nay, do thay đổi vị trí công tác, miễn nhiệm, nghỉ hưu nên đại biểu HĐND cấp xã giảm xuống còn 2.588 người. Mặc dù trong nhiệm kỳ này với những luật định mới (thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, sửa đổi 2019), thuận lợi hơn rất nhiều do hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn chỉnh, quyền hạn của HĐND cấp xã được tăng hơn, nhưng thực tế cho thấy hoạt động HĐND cấp xã vẫn còn nhiều bất cập.

Thường trực HĐND xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) triển khai nhiệm vụ công tác.

Dù cơ cấu bộ máy đã được tăng lên về số lượng, nhưng hiện nay HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên chỉ có một người là cơ cấu chuyên trách (phó chủ tịch HĐND hoặc phó bí thư đảng ủy xã), còn lại là kiêm nhiệm. HĐND cấp xã cũng có 2 ban: Ban pháp chế và Ban kinh tế - xã hội nhưng không cơ cấu trưởng ban là trường trực HĐNĐ. Bất cập trong cơ cấu kiêm nhiệm, khiến hoạt động của đại biểu chưa hiệu quả như mong muốn. Thực tế, nhiều đại biểu thừa nhận rằng, họ phải đảm nhiệm nhiều công việc khác nên cũng khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân. Hơn nữa, một số đại biểu còn giữ cương vị lãnh đạo chính quyền cấp xã, do vậy khi thực thi trách nhiệm của đại biểu đôi lúc không tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026, bà Lò Thị Nhâm là Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đồng thời là đại biểu HĐND xã (hiện nay là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mường Nhé). Hoạt động song song cùng lúc 2 nhiệm vụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của người đại biểu Nhân dân. Theo đại biểu Lò Thị Nhâm, một số đại biểu kiêm nhiệm do bận các công việc ở đơn vị công tác nên chưa dành nhiều thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND. Trong khi bộ máy tham mưu, phục vụ ở HĐND cấp xã không được bố trí nên gần như mọi công việc của HĐND cấp xã chủ yếu do phó chủ tịch chuyên trách đảm nhận.

Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Điện Biên Đông, Đinh Thị Bích cho rằng đại biểu kiêm nhiệm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của HĐND xã.

Theo bà Đinh Thị Bích, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội (HĐND huyện Điện Biên Đông), nhiệm kỳ 2021 - 2026 huyện Điện Biên Đông có 299 đại biểu HĐND cấp xã. Hầu hết các đại biểu kiêm nhiệm các chức vụ đảng, chính quyền, cơ quan đoàn thể nên bận công tác chuyên môn, vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung của hội đồng. Đối với các đại biểu không kiêm nhiệm thì chủ yếu lại là nông dân, trình độ, năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế hoặc còn nể nang, ngại va chạm, chưa mạnh dạn thảo luận, tranh luận, chất vấn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, chế độ đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với đại biểu HĐND xã còn hạn chế.

Năng lực hạn chế

Chất lượng của đại biểu là yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động của HĐND. Thế nhưng, trình độ văn hóa, chuyên môn của đại biểu ở cấp xã còn thấp, nhiều đại biểu thiếu những kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước, về pháp luật, lại hoạt động kiêm nhiệm, ít thời gian cho hoạt động đại biểu. Đó là rào cản lớn, gây khó khăn, lúng túng cho đại biểu khi thực thi nhiệm vụ.

Đến nay một số đại biểu HĐND xã chưa hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ; chưa biết chất vấn thế nào; chưa phân biệt được văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế, HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh vẫn có những đại biểu mới học hết lớp 3/12, thậm chí có đại biểu chưa đọc thông, viết thạo chữ phổ thông. Do đó, chưa mạnh dạn tham gia phát biểu, thảo luận, chất vấn. Đại biểu cơ cấu ở thôn, bản còn thiếu tự tin, ngại va chạm trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm của mình. Như đại biểu Vàng Thị Gống, bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé), cho biết: Mỗi khi có việc hội họp, tiếp xúc cử tri, giám sát, HĐND xã gọi thì tham gia, còn ngày bình thường đi làm nương.

Đại biểu Vàng Thị Gống (xã Mường Nhé) tuyên truyền kết quả kỳ họp HĐND xã đến người dân.

Tương tự, đại biểu Thào A Lử, thôn Đề Dê Hu II, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa), mặc dù đã hơn nửa nhiệm kỳ trôi qua, nhưng vẫn lúng túng về vai trò, chức năng của người đại biểu HĐND.

Thực tế cho thấy, phần lớn đại biểu HĐND cấp xã, nhất là các xã vùng cao, biên giới trên địa bàn tỉnh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, việc tiếp tận thông tin, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng không được thường xuyên, dẫn đến thụ động, nhất là trong tham gia đóng góp cho việc quyết định các vấn đề cần có chuyên môn.

Thực tế, trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị của đại biểu HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Như xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) có 19 đại biểu thì có 3 đại biểu có trình độ văn hóa 5/12 và 6 đại biểu trình độ 9/12; xã Pá Mỳ (huyện Mường Nhé) có đại biểu mới học hết lớp 3/12; xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) có đại biểu mới học lớp 4/12…

Đại biểu Thào A Lử, xã Sính Phình (người đứng giữa), vừa là bí thư chi bộ thôn vừa là đại biểu HĐND xã.

Bên cạnh đó, số đại biểu không giữ các chức vụ trong các cơ quan, đoàn thể chiếm 42,4% (chủ yếu nông dân). Như huyện Điện Biên có 299 đại biểu thì có gần 90 đại biểu là người nông dân, trưởng bản; trong đó, đại biểu dân tộc chiếm 73,9%, trình độ chuyên môn dưới đại học chiếm 52,5% và còn 50 đại biểu trình độ văn hóa mới hết trung học cơ sở, cá biệt một số đại biểu mới hết tiểu học. Từ đó, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND bị hạn chế, mang tính hình thức và chưa thực chất.

Về vấn đề này, ông Lò Văn Chiên, Chủ tịch HĐND huyện Mường Nhé thẳng thắn đánh giá: Nhiệm kỳ 2021 - 2026, mặc dù chất lượng đại biểu đã được chú trọng nâng cao, tuy nhiên năng lực của một số đại biểu vẫn chưa đáp ứng tốt vị trí, vai trò của mình, nhất là năng lực phản biện. Việc nghiên cứu, xem xét thực hiện chức năng quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền HĐND chưa sâu; việc quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, xây dựng cơ bản còn lúng túng; chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều. Hầu hết đại biểu HĐND xã có năng lực, trình độ, kinh nghiệm đều kiêm nhiệm và giữ các cương vị chủ chốt trong đảng ủy, UBND, các đoàn thể nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều.

Bài 2: Hoạt động còn mờ nhạt

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top