Không tổ chức văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân

14:26 - Thứ Ba, 13/08/2024 Lượt xem: 2139 In bài viết

Thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định văn phòng công chứng chỉ là công ty hợp danh.

Sáng 13-8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất với cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị không quy định cụ thể trong Luật Công chứng các loại giao dịch phải công chứng (giữ quy định của dự thảo Luật như Chính phủ trình trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành). Điều đó phù hợp với tính chất của Luật Công chứng là luật hình thức và tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, không điều chỉnh loại giao dịch nào phải công chứng để tránh chồng lấn với luật nội dung và gây ra sự thiếu ổn định của Luật khi các luật nội dung thay đổi phạm vi giao dịch phải công chứng; phù hợp với nguyên tắc quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về công chứng điện tử, công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch dân sự có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên. Với quy định này, mọi hoạt động của người yêu cầu công chứng khi xác lập giao dịch đều phải có sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên nên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của việc công chứng nội dung theo phương thức truyền thống.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, còn hai vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng và cơ sở dữ liệu công chứng. Cụ thể, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về mô hình của văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Một số ý kiến đề nghị các phương án như sau: Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân áp dụng đối với văn phòng công chứng được thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

Về cơ sở dữ liệu công chứng, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự thảo Luật quy định cơ sở dữ liệu công chứng bao gồm 4 cơ sở dữ liệu thành phần, giao Chính phủ quy định chi tiết về các cơ sở dữ liệu này. Tuy nhiên, dự thảo nghị định kèm hồ sơ dự án Luật do Chính phủ trình không xác định trách nhiệm của Bộ Tư pháp đối với việc xây dựng, quản lý, vận hành các cơ sở dữ liệu này mà chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo chung; cơ sở dữ liệu trong dự thảo Luật không được xác định rõ nội hàm cũng như chủ thể quản lý, vận hành; cơ sở dữ liệu trong dự thảo Luật được quy định chi tiết theo hướng phân tán trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành thuộc về UBND cấp tỉnh và Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.

Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành với quy định nêu trên và đề nghị chỉnh lý lại theo hướng giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tập trung, thống nhất, trong đó gồm 2 cơ sở dữ liệu thành phần.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng chỉ là công ty hợp danh sẽ bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ.

Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện cho biết, hiện tại 63 tỉnh, thành phố có hơn 3.300 công chứng viên, 1.298 tổ chức hành nghề công chứng. Trên cơ sở những khó khăn trong triển khai mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân do 1 công chứng viên làm chủ, ông Nguyễn Chí Thiện đề nghị cần duy trì mô hình văn phòng công chứng dưới hình thức công ty hợp danh.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, dịch vụ công chứng là dịch vụ công, do đó cần bảo đảm tính liên tục, bền vững và chịu trách nhiệm. Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân do 1 công chứng viên làm chủ sẽ rất khó bảo đảm tính chất của dịch vụ công nêu trên. Do đó, Phó Thủ tướng đồng tình với quy định của dự thảo Luật về mô hình của văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top