Đồng chí Trần Quốc Cường
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên
ĐBP - Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, đại đoàn kết là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết dân tộc luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình là xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang đó, thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Điện Biên luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương MTTQ Việt Nam, của tỉnh, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động tham mưu triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm phù hợp với thực tiễn địa phương. Tập trung làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết các dân tộc trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Kết quả điển hình là:
Các phong trào, cuộc vận động do MTTQ các cấp phát động, triển khai thực hiện tạo sức lan tỏa rộng lớn, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thiết thực. Tiêu biểu như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”...
Tạo sự đồng thuận xã hội, tin tưởng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chung sức đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; sự đồng thuận của Nhân dân trong chấp hành chủ trương thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai các chương trình, dự án trọng điểm như: Dự án đường 60m, Dự án hạ tầng kỹ thuật khung, Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên...; tham gia triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất trên địa bàn như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, dự án trồng cây mắc ca, cà phê, trồng cây dược liệu... Tham gia tích cực, hiệu quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị địa phương.
Tinh thần tương thân, tương ái được thể hiện và phát huy hiệu quả, đặc biệt trong triển khai vận động ủng hộ, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo; trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trong các hoạt động ủng hộ, cứu trợ... Giai đoạn 2019 - 2024, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh tiếp nhận trên 460 tỷ đồng, phân bổ hỗ trợ xây mới, sửa chữa 8.690 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa (trong đó, Chương trình “Mái ấm nghĩa tình - An sinh xã hội” 1.347 nhà, Đề án 09 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 5.000 nhà) và tổ chức thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người dân. Quỹ Cứu trợ tiếp nhận và phân bổ hỗ trợ đồng bào cả nước và trong tỉnh bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn. Quỹ phòng chống Covid-19 tiếp nhận và phân bổ nguồn lực góp phần thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định, những kết quả mà MTTQ các cấp đạt được trong nhiệm kỳ 2019 - 2024 là rất đáng ghi nhận, tự hào, thực sự xứng đáng vai trò đại diện của Nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách cho phát triển đất nước nói chung và khu vực Tây Bắc, tỉnh Điện Biên nói riêng. Trong đó, đặc biệt quan tâm công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, tôn giáo. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động không ngừng tiến hành hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp; phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sử dụng mạng xã hội để kích động, gây tâm lý hoang mang, tác động tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, giảm sút lòng tin đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, nhất là ở cơ sở, địa bàn vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,...
Nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ thời gian tới là: tập trung xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên cần thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, trọng tâm là Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, chủ động lắng nghe, nắm tâm tư nguyện vọng, tiếp thu ý kiến của Nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta là: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Quan tâm chăm lo, phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, tôn giáo; xây dựng các mô hình, điển hình có sức lan tỏa tích cực, rộng khắp.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào quê hương, dân tộc; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp Nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng cao, biên giới; chăm lo giáo dục truyền thống và nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân trong giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước như: “Ngày vì người nghèo”; “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Dân vận khéo”... Phát huy tính chủ động, sáng tạo của Nhân dân trong lao động sản xuất, nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng. Nâng cao hiệu quả công tác vận động, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, “Quỹ cứu trợ” để triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội. Duy trì tổ chức tốt các hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm, khơi dậy sức mạnh toàn dân từ khu dân cư, động viên Nhân dân tham gia, ủng hộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Thứ tư, phát huy dân chủ, nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Chủ động công tác nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho người dân được bày tỏ chính kiến, đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tăng cường công tác hòa giải những vấn đề mâu thuẫn trong Nhân dân ở địa bàn dân cư, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại Nhân dân; tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác quốc tế với tổ chức Mặt trận và Nhân dân hai bên khu vực biên giới tiếp giáp với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đấu tranh với các luận điệu sai trái, chống phá, thù địch, nhất là những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, nhân quyền.
Thứ sáu, quan tâm hơn nữa đối với đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, thông qua việc bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển, nâng cao khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng của cán bộ mặt trận. Đổi mới tổ chức bộ máy, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng cụ thể, thiết thực, linh hoạt, sáng tạo.