ĐBP- Ngày 21/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành thuộc Chính phủ. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh Điện Biên. Tham dự có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành.
Nội dung chất vấn gồm 2 nhóm: Thứ nhất là việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; tài nguyên và môi trường; văn hóa, thể thao và du lịch. Thứ hai là chất vấn về các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Tại phiên chất vấn, ĐBQH đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành làm rõ các nội dung, như: Làm rõ các giải pháp tham mưu cho Chính phủ để sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam. Làm rõ những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình thực hiện vận động Ủy ban Châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng về thủy sản đối với Việt Nam? Khó khăn, giải pháp trong đẩy mạnh hoàn thiện công tác thống kê du lịch. Giải pháp về chế tài xử phạt như thế nào để đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa và lộ trình thực hiện…
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan đã trả lời chất vấn của các ĐBQH, nêu rõ những chính sách của Đảng, Chính phủ, trách nhiệm của các bộ trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp giải quyết các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.
Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu vấn đề: Báo cáo số 288/BC-CP ngày 27/5/2024 của Chính phủ có nêu quá trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo chưa phát hiện khó khăn, bất cập và tồn tại, hạn chế nào cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, kết quả rà soát trên có bao hàm các nội dung tồn tại, hạn chế và kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành được nêu trong báo cáo giám sát số 334/BC-ĐGS của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các phụ lục kèm theo hay không? Các kiến nghị sau giám sát tại báo cáo trên đã được Thanh tra Chính phủ tiếp thu, giải quyết như thế nào?
Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Đối với nội dung nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về hành chính đã có hiệu lực phát hiện có vi phạm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu sửa đổi nội dung chưa phù hợp với Luật Khiếu nại và đảm bảo tính thống nhất. Theo đó, Chính phủ đã báo cáo và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chương sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại cho phép Chính phủ giữ nguyên quy định về việc giải quyết dứt điểm các vụ việc tố cáo, khiếu nại tồn đọng, góp phần ổn định ANTT. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại. Đối với các kiến nghị sau giám sát, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch để triển khai và phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tiến hành nghiên cứu thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân.
Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục trong buổi sáng mai (22/8).