Sáng 22-8, trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam đã chủ trì phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì phiên họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Đồng chủ trì phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng ban Chỉ đạo: Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng.
Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chỉ đạo: Bí thư Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng là thành viên Ban Chỉ đạo.
Trước khi tiến hành phiên họp, các đại biểu dành một phút mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phiên họp nhằm cho ý kiến vào dự thảo “Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam” nhằm hoàn thiện báo cáo trình Hội nghị Trung ương 10.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của phiên họp, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang chuẩn bị tích cực cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Việc tổng kết những vấn đề lý luận rút ra qua tổng kết 40 năm đổi mới có ý nghĩa kế thừa tổng kết 20 năm, 30 năm đổi mới. Qua tổng kết để đánh giá những thành tựu 40 năm đổi mới, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự kiên trì, kiên định thực hiện công cuộc đổi mới mang lại những thành tựu cho đất nước ta.
Theo đồng chí Tô Lâm, nhìn tổng thể, chúng ta đã đạt được kết quả vĩ đại trong 40 năm đổi mới, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Cùng với việc đánh giá những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, cần rút ra những bài học kinh nghiệm, những vấn đề còn tồn tại, đề ra giải pháp khắc phục để chúng ta phát triển hơn trong giai đoạn tới.
Với tinh thần đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận, đóng góp cho báo cáo.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã báo cáo tiến độ và kết quả công việc xây dựng Dự thảo “Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam”.
Dự thảo báo cáo gồm 5 phần lớn: Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước tác động đến quá trình đổi mới 40 năm qua; Sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng qua 40 năm đổi mới; Những thành tựu và hạn chế trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam; Khái quát chung, vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm; Dự báo tình hình, đề xuất, quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng nêu một số đề xuất phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã góp ý kiến, khẳng định dự thảo báo cáo lần này đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các phiên họp trước. Công việc của Ban Chỉ đạo thực hiện cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, bám sát kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết đã thông qua. Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu vào dự thảo báo cáo.
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các thành viên Ban Chỉ đạo, sau phiên họp Ban Chỉ đạo lần thứ ba, trên cơ sở 47 báo cáo chuyên đề, 8 báo cáo nội dung theo 6 nhóm, cùng một số báo cáo của các tỉnh, thành ủy tham gia tổng kết; kết quả bước đầu của các chương trình, đề tài cấp nhà nước và kế thừa kết quả của các lần tổng kết 20 năm, 30 năm; đã khẩn trương xây dựng Dự thảo “Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam”.
Đồng chí Tô Lâm khẳng định, Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới là đầu vào hết sức quan trọng cho việc xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, trong đó có Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao nội dung đã được tổng kết, hệ thống với 5 kết quả nổi bật, đó là:
Đã hệ thống làm rõ sự phát triển lý luận của Đảng ta về đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa qua 40 năm đổi mới; Đánh giá, làm rõ thành tựu, hạn chế trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên 4 nhóm vấn đề lớn (Xây dựng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển văn hóa, xã hội và con người; Quốc phòng, an ninh và đối ngoại; Xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh); Chỉ ra một cách khái quát bước phát triển quan trọng trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó có việc đề xuất xác định mô hình chủ nghĩa xã hội gồm 3 trụ cột; thành tựu có ý nghĩa lịch sử, những hạn chế, làm rõ những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm; Dự báo tương đối sát tình hình, đề xuất các mục tiêu, quan điểm, chỉ tiêu chủ yếu, định hướng nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, việc đánh giá về hạn chế, nguyên nhân của hạn chế khá đầy đủ, song chưa chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân có tính chủ yếu, cốt lõi; nhiều nội dung chung chung, nhiều vấn đề qua tổng kết chưa được chỉ ra cụ thể… Nhiều nguyên nhân tương tự nhau ở các hạn chế…
Đồng chí Tô Lâm gợi ý một số vấn đề cần đánh giá thêm, đó là: Đánh giá về quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng đã sát thực tiễn chưa, đã kịp thời giải quyết vấn đề nổi lên trong thực tiễn chưa; Thể chế chính sách có cản trở phát triển, tạo điểm nghẽn hay không; Về phân công, phân cấp, đã rành mạch rõ ràng, phân cấp mạnh cho địa phương, cho cơ sở…; Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Điểm trọng tâm, điểm đòn bẩy trong từng lĩnh vực chủ chốt; Đội ngũ cán bộ đủ năng lực triển khai chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Phân bố, sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất nhận thức về bối cảnh mới đang mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ đó có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về hình thức và nội dung báo cáo. Tinh thần là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá chính xác kết quả đạt được, thẳng thắn, khách quan chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là những điểm nghẽn, nút thắt đối với sự phát triển của đất nước chưa được hoặc chậm được tháo gỡ, khắc phục.
Nhấn mạnh tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam là một công việc rất hệ trọng đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước; đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đồng chí Tô Lâm đề nghị, sau phiên họp này, Ban Chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện Báo cáo để trình Bộ Chính trị cho ý kiến; sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, tiếp tục hoàn thiện một lần nữa để trình Hội nghị Trung ương 10.