Ðại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng người dân Mường Phăng

10:22 - Chủ Nhật, 25/08/2024 Lượt xem: 3560 In bài viết

ĐBP - Cuộc sống trên quê hương cách mạng Mường Phăng (TP. Ðiện Biên Phủ) đã có nhiều đổi khác sau 70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Thế nhưng có một điều chưa bao giờ thay đổi trong suốt những tháng năm qua, đó là tình cảm của người dân nơi đây đối với Tổng Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, vị Ðại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam: Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh của Người đã, đang và sẽ luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người dân nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm lại Mường Phăng. Ảnh tư liệu

Trong ký ức của ông Lường Văn Lún, bản Phăng 1, xã Mường Phăng chưa bao giờ quên những lần được đón Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Mường Phăng. Một lần vào ngày 7/4/1994 nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ và một lần vào ngày 21/4/2004 nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Trong 2 dịp ý nghĩa đặc biệt ấy, ông Lường Văn Lún đều vinh dự được gặp, được nghe những lời căn dặn của Ðại tướng. Ông Lường Văn Lún tâm sự: “Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, bố mẹ tôi tham gia lực lượng dân quân, giúp đỡ bộ đội vận chuyển lương thực, thực phẩm và bảo vệ vòng ngoài để giữ bí mật trong thời gian xây dựng hầm cho Sở Chỉ huy Chiến dịch. Khi đó, nhiều gia đình trong xã cũng giúp bộ đội về lương thực, tham gia du kích để đưa thông tin, liên lạc cho bộ đội đánh Pháp. Lúc đó chúng tôi vẫn chưa được gặp Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Ðến khi tôi đi bộ đội, xuất ngũ trở về địa phương, làm bảo vệ Khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ thì vinh dự được 2 lần đón Ðại tướng về thăm. Những lần vinh dự được đón Ðại tướng là ký ức sâu sắc không thể nào quên đối với tôi”.

“Lần về thăm Mường Phăng năm 2004, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn bà con Mường Phăng nhiều điều. Nhưng điều tôi nhớ nhất là: Sau bao nhiêu hi sinh, gian khó đất nước đang mỗi ngày một vững bước đi lên, Ðại tướng luôn mong cho đời sống của đồng bào Mường Phăng ấm no và căn dặn người dân nơi đây giữ rừng thật tốt, lao động thật chăm, cố gắng đoàn kết, cố gắng làm ăn phát triển kinh tế, giữ gìn thật tốt khu di tích cho các thế hệ mai sau. Những lời dặn dò đó của Người chắc chắn tôi không bao giờ quên” - ông Lường Văn Lún nhớ lại.

Người dân Mường Phăng dâng hương lên ban thờ Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu tưởng niệm.

Khắc ghi lời dạy của Ðại tướng, trong suốt quãng thời gian hơn 20 năm (từ 1980 - 2006) làm bảo vệ Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông Lường Văn Lún và 4 thành viên trong tổ luôn làm tốt công tác quản lý bảo vệ khoảng 1.500ha rừng khu di tích. Nhờ đó mà những cánh rừng của khu di tích được gìn giữ tươi xanh, tỏa bóng mát cho đến tận ngày nay. Không chỉ với ông Lường Văn Lún, những lời căn dặn của Ðại tướng vẫn luôn được các thế hệ lãnh đạo Mường Phăng khắc ghi, trân trọng và luôn truyền đạt tới người dân trong các cuộc họp, gặp gỡ người dân tại thôn bản và trong cả những lời truyền dạy cho con cháu.

Tiếp nối thế hệ ông Lường Văn Lún, ông Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng đang hàng ngày, hàng giờ thực hiện lời căn dặn của Ðại tướng. Không chỉ vậy, ông Hoàng còn lãnh trách nhiệm nặng nề hơn khi còn là người trông, gìn giữ Khu tưởng niệm Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Với trách nhiệm nặng nề trên vai, ông chưa hề quên một mốc lịch sử nào liên quan đến Ðại tướng với quê hương Mường Phăng. Ông Lò Văn Hoàng tâm sự: “Còn nhớ ngày Ðại tướng về thăm năm 2004, bà con đến để được gặp Người đông lắm, già, trẻ, lớn, bé đủ cả. Tất cả người dân Mường Phăng ai cũng muốn được gặp Ðại tướng. Mà lúc đó đường lên khu di tích nhỏ, hẹp chứ đâu lớn như bây giờ, phải phân luồng. Rồi cũng có người phải ở ngoài, chứ làm sao mà vào được cả. Thời gian ấy tôi tham gia bảo vệ ở vòng ngoài, chỉ được nhìn Ðại tướng từ xa thôi. Nhưng mà vẻ ngoài giản dị, hiền hậu cùng những cử chỉ ân cần, gần gũi, quan tâm người dân khiến tôi không thể nào quên được. Tôi có cảm tưởng Ðại tướng coi Mường Phăng như là quê hương thứ hai, bà con Mường Phăng chính là những người ruột thịt của mình vậy”.

Những hình ảnh, tư liệu về Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu tưởng niệm.

Ðến khi Ðại tướng về với thế giới người hiền, nơi đây lại trở thành Khu tưởng niệm Ðại tướng Võ Nguyên Giáp giữa cánh rừng Mường Phăng. Ðặc biệt, vào ngày 21/12/2021, tượng bán thân của Người được rước về an vị và thờ phụng tại đây. Ngắm nhìn tượng Ðại tướng an vị trên ban thờ, người dân Mường Phăng không khỏi xúc động, tưởng nhớ về một vị tướng huyền thoại, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng luôn giản dị, khiêm nhường và hết mực yêu thương bà con. Ông Lò Văn Hoàng tiếp lời: “Vào thời điểm Ðại tướng mất, nơi đây cũng là một điểm để bà con tới dâng hương, tưởng nhớ đến Người. Năm đó người dân đến đông lắm, không chỉ có Mường Phăng mà các xã Nà Nhạn, Nà Tấu rồi các xã ở huyện Mường Ảng, Tuần Giáo cũng vào nhiều... Thoáng chốc mà đã hơn 10 năm rồi! Bây giờ thì cứ đều đặn ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng, các trường học trên địa bàn, ban ngành, đoàn thể của xã Mường Phăng đều tới dâng hương trước ban thờ Ðại tướng. Ðông nhất là vào dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm, cả người dân ở các bản cũng tới. Không những thế, vào các dịp lễ, tết hay kỷ niệm lớn, người dân trên dọc trục đường vào di tích đều chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường, không thả rông trâu bò ra đường lớn để đón những đoàn khách phương xa đến thăm di tích, dâng hương khu tưởng niệm Ðại tướng”.

Ngược thời gian về nhiều năm trước, người dân xã Mường Phăng, nhất là khu vực 4 bản người Mông: Loọng Luông 1, Loọng Luông 2, Lọng Háy, Lọng Nghịu canh tác lúa gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước sản xuất. Thấu hiểu nỗi khó khăn của bà con, Ðại tướng đã viết thư đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Ðiện Biên và xã Mường Phăng xây dựng công trình thủy lợi. Ðến ngày hôm nay, công trình thủy lợi hồ Loọng Luông, hay còn được gọi thân thương là “hồ Bác Giáp” mang nguồn nước mát lành tưới tiêu cho hàng trăm héc ta lúa trên cánh đồng Mường Phăng. Không chỉ vậy, diện tích mặt nước của hồ còn góp phần cải tạo cảnh quan môi trường, giúp người dân phát triển thủy sản... Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, giúp xã Mường Phăng tiếp tục duy trì và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới.

“Hồ Bác Giáp” mang dòng nước mát lành về làm trù phú thêm cánh đồng Mường Phăng.

Trải qua 70 năm, mảnh đất Mường Phăng nay đã có nhiều đổi khác. Những con đường thênh thang thẳng tắp, nối xã Mường Phăng với trục quốc lộ 12, nối với trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ. Ðời sống người dân nơi đây cũng được nâng lên nhiều nhờ phát triển du lịch, dịch vụ xung quanh di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng. Thế nhưng có một điều chắc chắn không bao giờ thay đổi, hình ảnh Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Ðại tướng đầu tiên, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ sống mãi trong trái tim các thế hệ người dân Mường Phăng.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top