55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024):

Giá trị, ý nghĩa và tầm vóc thời đại

10:06 - Thứ Ba, 27/08/2024 Lượt xem: 3162 In bài viết

LTS: Di chúc là tâm nguyện, là ý chí, niềm tin, là tình cảm và trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng. 55 năm qua, bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng sáng tỏ giá trị lịch sử và tầm nhìn thời đại của một bậc thiên tài.

Bài 1: Hàm chứa triết lý nhân sinh và văn hóa chính trị

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quốc bảo của dân tộc, hội tụ tất cả tinh hoa truyền thống dân tộc và thời đại, hàm chứa triết lý nhân sinh và văn hóa chính trị. Với khoảng 1.000 từ, viết vào dịp sinh nhật, trong 4 năm, đọng lại những giá trị tinh túy nhất của 79 năm cuộc đời Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sống cho Tổ quốc, phấn đấu cho tương lai dân tộc và nhân loại ngày một văn minh, tiến bộ, tươi sáng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội Phòng không - Không quân, tháng 2-1969. Ảnh: TTXVN

1. Phần mở đầu (128 từ), để tránh cảm giác bi lụy, Bác Hồ tự sự về những điều thầm kín, đúng với phong cách của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, tin tưởng sắt đá vào đại nghiệp dân tộc, một niềm tin tất thắng. Toát lên giá trị cốt lõi đạo lý truyền thống dân tộc “ăn quả nhớ người trồng cây”, lúc tận hưởng vị ngọt “cam lai” càng không được phép lãng quên ân tình của đồng bào, đồng chí và bầu bạn bốn phương.

Tinh thần lạc quan cách mạng trong khổ mở đầu Di chúc của Bác Hồ truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên và người dân vững bước tiến lên, giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc đọ sức với đế quốc "đầu sỏ" trên thế giới. Niềm tin cách mạng đó ngày nay tiếp sức cho chúng ta vận dụng vào việc khơi dậy ý chí tự lực, tự cường dân tộc, vượt qua cơn gió ngược thời cuộc, tin tưởng vào hiện thực hóa khát vọng dân tộc cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

2. Phần 2, mấy dòng mào đầu phảng phất tinh hoa văn hóa nhân loại, viện dẫn câu thơ của đại thi hào Trung Quốc thời Đường, lấy đó làm niềm an ủi chính mình, đồng thời làm dịu nỗi đau buồn của đồng bào, đồng chí của mình, Người viết về thời khắc chia xa, nhưng tuyệt nhiên không lìa xa, càng chứng tỏ Người thấu hiểu sự sống là hữu hạn, còn tinh thần dân tộc luôn bất tử.

Người dành dung lượng nhiều nhất (207 từ) để nhấn mạnh, “Trước hết nói về Đảng”; sự nhấn mạnh và đặt nội dung này ngay ở đầu phần 2 là một hàm ý chính trị sâu sắc, vì Đảng là nhân tố tiên quyết, bảo đảm mọi thắng lợi đã qua cũng như về sau của cách mạng Việt Nam. Còn Đảng là còn cơ đồ dân tộc, có Đảng là có người soi đường chỉ lối cho dân tộc đi đúng hướng, cùng xu thế thời đại. Người dùng hình tượng “con ngươi của mắt mình” để chỉ sự đoàn kết trong Đảng là nhân tố có tính sống còn của Đảng, của chế độ.

Những giá trị cốt lõi đó trong bối cảnh hiện nay, cần phải được quán triệt sâu sắc hơn nữa, vận dụng sáng tạo vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới”. Đặc biệt là chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV, phải lấy việc đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng để xem xét, giới thiệu, giao trọng trách chính trị.

3. Phần nói về đoàn viên và thanh niên (75 từ), Người khẳng định tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng. Vì thế, trong đấu tranh giành độc lập, biết bao tấm gương trẻ tuổi dám xả thân vì lý tưởng cộng sản, trong kháng chiến vệ quốc, họ là những người có ý chí “đào núi và lấp biển”, họ xứng đáng là cánh tay phải đắc lực của Đảng. Sự nghiệp cách mạng của Đảng là lâu dài, bền bỉ, “đời này qua đời khác”, cho nên lớp lớp người trẻ tuổi phải kế cận như lũy tre có lớp già rắn rỏi, có lớp măng non được che chở, được thử thách trong bão tố cách mạng, đủ chí khí như Thánh Gióng giúp dân giữ nước. Bồi dưỡng tri thức, bồi đắp đạo đức, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ là một nhiệm vụ thường xuyên, cần kíp của Đảng.

4. Phần nói về nhân dân lao động (96 từ) hàm chứa sự tinh tế chính trị, đặt ở trung tâm của toàn văn Di chúc, thể hiện tính giai cấp, tính dân tộc, Người dùng “Nhân dân ta” để biểu thị một tình cảm trân quý công lao của nhân dân, nhờ có sự giác ngộ của Đảng nên luôn nêu cao truyền thống yêu nước, thương nòi, đoàn kết đấu tranh giành độc lập, bảo vệ vững chắc quyền độc lập, tự do, đúng như lời chốt lại về khát vọng độc lập trong Tuyên ngôn độc lập.

Khi nói về nhân dân, Bác không tách ra thành một chủ thể mà gắn liền với trách nhiệm của Đảng, đòi hỏi Đảng phải có tầm nhìn chiến lược để phát huy sức mạnh của nhân dân, để mang lại quyền lợi chính đáng như nghĩa cử đền đáp công ơn của nhân dân. Một số công việc cần kíp cũng như lâu dài mà Đảng cần thực hiện là động viên, khích lệ muôn dân phát huy ý chí tự lực, tự cường, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tới thắng lợi cuối cùng. Người răn dạy, sau ngày Nam - Bắc thống nhất, Đảng không được phép “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, mà phải bắt tay ngay vào việc viết tiếp pho sử oai hùng dân tộc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại đời sống ấm no, giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân. Làm theo lời dạy của Bác Hồ, toàn Đảng kiên định thực hiện chủ trương đẩy mạnh công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện, thực hiện khát vọng 2 mục tiêu lịch sử (100 năm thành lập Đảng; 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

5. Phần nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ (128 từ), Người đinh ninh đế quốc Mỹ nhất định sẽ phải cút khỏi nước ta, chắc chắn thắng lợi hoàn toàn sẽ thuộc về ta. Đó là niềm tin lớn lao, có tính lịch sử, mang tầm thời đại. Người tiên liệu, cuộc kháng chiến sẽ còn phải kéo dài một thời gian, nhân dân ta còn phải chịu đựng gian khổ, hy sinh, nhưng tuyệt nhiên không bi quan, không bi lụy.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, tiên đoán của Hồ Chí Minh hoàn toàn có cơ sở, dựa vào sức mạnh nội sinh dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Ngày nay, chưa hết những mối nguy, cho nên việc xây dựng thế trận lòng dân là thượng sách nhằm phát huy ý chí tự lực, tự cường dân tộc đủ sức đánh bại mọi kẻ thù xâm lăng.

6. Về phong trào Cộng sản thế giới (120 từ), thể hiện sự trải nghiệm trong đấu tranh vì mục tiêu thế giới đại đồng, không còn người bóc lột người, không còn áp bức, nô dịch dân tộc, điều này đã được Người nêu trong cuốn “Đường kách mệnh” là “cách mạng xã hội triệt để”. Những trải nghiệm từ cuộc khảo sát thế giới, phát hiện sự khác biệt thân phận của tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị, giúp cho Nguyễn Ái Quốc hình thành chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn, nhân ái, không bị vướng mắc bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Đó là cơ sở chính trị để Nguyễn Ái Quốc tự giác tham gia vào những hoạt động sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, kết giao với nhiều người bạn quốc tế, từ đó đưa Người đến với Luận cương Lênin. Những năm tháng hoạt động ở Pháp, Nga, Trung Quốc đã làm phong phú vốn lý luận và thực tiễn cách mạng cho Nguyễn Ái Quốc. Đến khi là Chủ tịch nước, Người có nhiều hoạt động đối ngoại với các đảng anh em, với nhân dân tiến bộ toàn thế giới, càng thêm thắm đậm nghĩa tình bầu bạn, tình cảm quốc tế vô sản trong sáng. Người mong muốn Đảng ta phải có trách nhiệm tham gia tích cực vào hàn gắn sự rạn nứt, bất hòa giữa các đảng anh em, coi đó là sự củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế. Ngày nay, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chủ trương đối ngoại đa phương, rộng mở với tất cả các nước, và luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với các đảng cộng sản, đảng lao động trên khắp các châu lục.

7. Về việc riêng, không biết có một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý, khi Người dành 79 từ để bộc bạch nguyện vọng cá nhân. Nói là “riêng” nhưng cũng là cho cuộc đời “chung”. Người tiếc không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, không được cùng đồng bào mình tiếp tục phấn đấu vì độc lập, tự do, tiến bộ, văn minh, theo kịp xu thế thời đại. Người căn dặn khi Người từ trần, không nên tổ chức tang lễ, điếu phúng linh đình, gây lãng phí tiền của, công sức nhân dân, đó là sự tiết kiệm như vốn bản tính của Bác Hồ. Người mong thi thể của mình được hóa tro cốt, chia làm 3 lọ cho 3 miền, đó không phải là nỗi đau thương mà hóa thân vào hình hài Tổ quốc. Như thế, “sống là cho mà chết cũng là cho”, dâng hiến mãi cho Tổ quốc, nhân dân.

8. Đoạn kết (có 97 từ), Người để lại nỗi lòng sâu thẳm, hoài bão cao như trời xanh, rộng như biển cả. Người để lại cho đồng bào, đồng chí, chiến sĩ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của mình tình cảm trĩu nặng ân tình, gửi gắm kỳ vọng tương lai. Người gửi lời chào bầu bạn năm châu, thắm tình quốc tế vô sản, đúng là “tứ hải giai huynh đệ”.

“Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Làm theo lời Bác dạy, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, dân tộc ta đã làm nên kỳ tích lịch sử: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước, đổi mới thành công, là thành viên tích cực, có uy tín của cộng đồng thế giới; gạt bỏ được sự kỳ thị chế độ chính trị, cùng cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng chung trên toàn thế giới.

Sau 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người Việt Nam yêu nước càng thấy rõ giá trị bất hủ, sự hội tụ nhân tâm và trí tuệ thời đại của một con người sinh ra từ lịch sử, làm rạng danh lịch sử dân tộc, mãi là ngọn đuốc soi sáng cho cách mạng Việt Nam vững bước đi lên.

PGS.TS Trần Viết Lưu

(Còn nữa)

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top