Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ khoá XV

19:57 - Thứ Ba, 27/08/2024 Lượt xem: 2721 In bài viết

ĐBP - Hôm nay (27/8), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ khoá XV để thảo luận về các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham dự Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hội nghị sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 27 - 29/8/2024 để thảo luận, góp ý kiến về 12 dự án luật, gồm: Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Tư pháp người chưa thành niên; Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Công chứng (sửa đổi); Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng không nhân dân; Công đoàn (sửa đổi); Di sản văn hoá (sửa đổi); Địa chất và khoáng sản; Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đại biểu tham dự Hội nghị tập trung phân tích, thảo luận, thể hiện rõ quan điểm đối với những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, xin ý kiến, những nội dung còn có các phương án khác nhau; cho ý kiến rõ các dự án luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới hay chưa, trong đó đề nghị bám sát nguyên tắc ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng. Chỉ những dự án luật bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc thì mới trình Quốc hội thông qua; những vấn đề thực tiễn đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì quyết tâm thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi).

Chiều 27/8, phát biểu ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cơ bản nhất trí và thống nhất với bố cục và nội dung của dự thảo Luật. Đại biểu đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý rất nhiều nội dung ĐBQH tham gia tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV để hoàn thiện dự thảo Luật.

Đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh), đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, dự thảo Luật quy định khi phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hoá của di tích phải xin ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong khi, khu vực nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích không có giới hạn về phạm vi, ranh giới, không có tiêu chí đánh giá tác động ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hoá của di tích. Do đó, quy định này sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện trong thực tiễn. Đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm tiếp thu ý kiến đại biểu đối với nội dung này.

Toàn cảnh Hội nghị.

Đại biểu băn khoăn việc sử dụng cụm từ “Công trình kinh tế - xã hội” trong dự thảo Luật. Cụm từ này được nhắc đến 02 lần đó là tại khoản 25 Điều 3 và điểm C, khoản 2, Điều 28. Đề nghị bổ sung hai từ hạ tầng” vào cụm từ này, viết lại thành Công trình kinh tế - xã hội” để đảm bảo phù hợp với việc sử dụng từ ngữ trong thực tế cũng như thống nhất với các văn bản của Đảng và pháp luật chuyên ngành khác, tạo cách hiểu thống nhất, thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện.

Thực tế trong các văn bản của Đảng và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khi nói đến công trình thực hiện theo mục tiêu, quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương thì đều gọi đó là công trình hạ tầng, ví dụ công trình hạ tầng y tế, giáo dục, văn hoá, thương mại... Vì vậy, đề nghị thống nhất sử dụng cụm từ “Công trình hạ tầng kinh tế - xã hội” thay cho cụm từ “Công trình kinh tế - xã hội” tại dự thảo Luật, tránh phiền hà, khó khăn, vướng mắc về từ ngữ khi triển khai thực hiện sau này.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top