55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024): Giá trị, ý nghĩa và tầm vóc thời đại

Bài 3: Tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời

15:20 - Thứ Năm, 29/08/2024 Lượt xem: 2794 In bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng...

Nội dung cốt lõi về đạo đức cách mạng trong Di chúc

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có 4 nội dung cốt lõi về đạo đức cách mạng. Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nắm vững, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(1).

Hai là, phải thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Đây là nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và trong Di chúc, Người lại nhấn mạnh đến vấn đề này. Trong nhiều bài viết trước đó, Người đã phân tích chi tiết nội hàm của từng khái niệm.

Ba là, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”, là “người lãnh đạo” nhưng đồng thời cũng là “người đày tớ trung thành của nhân dân”. Cũng chính vì trọng trách này mà mỗi đảng viên cần phải có ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân để thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Có như vậy, họ mới giữ gìn được sự tin yêu trong nhân dân dành cho Đảng, bởi theo Người: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(2).

Bốn là, cán bộ, đảng viên phải tiên phong trong thực hành đạo đức cách mạng, có trách nhiệm nêu gương trước quần chúng nhân dân. Tư tưởng này được toát lên trong Di chúc. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng. Theo Người, tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên nói chung và của cán bộ lãnh đạo cấp cao nói riêng phải được quán triệt, thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để làm gương cho nhân dân noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III, tháng 9-1960. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng... Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”(3). Mặt khác, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu còn bởi vì, họ chính là những người nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vì thế, phải luôn tâm niệm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, hăng hái dẫn dắt quần chúng trong phong trào cách mạng. Cán bộ, đảng viên có vai trò là người dẫn dắt quần chúng và vì thế, muốn quần chúng tin tưởng, làm theo thì bản thân phải là tấm gương sáng, phải “cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”(4).

Xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên

Bản Di chúc chứa đựng và kết tinh tất cả những giá trị cao quý về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn vẹn nguyên giá trị to lớn; do vậy, cần tiếp tục được thấm nhuần và phát huy trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác”(5).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thiếu gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm, nói không đi đôi với làm, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể; đặc quyền, đặc lợi, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, tham nhũng, tiêu cực; có quan hệ kinh tế với các doanh nghiệp, sa vào “lợi ích nhóm”.

Thực tế cho thấy, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là một trong những nguyên nhân dẫn đến những khuyết điểm, sai lầm, vi phạm pháp luật, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, đã làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các tổ chức, lực lượng và cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều biện pháp quyết liệt đồng bộ, theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Đặc biệt, cần chú trọng, làm tốt công tác nhân sự cấp chiến lược cho Đại hội XIV của Đảng. Cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có một trong các khuyết điểm như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh…

Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần vận dụng những giá trị to lớn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hành đạo đức cách mạng, giữ vững tính tiên phong, gương mẫu của mỗi tổ chức Đảng và đảng viên; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, đi ngược lại các giá trị đạo đức cách mạng, như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa vị kỷ...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “chủ nghĩa cá nhân” là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, vì nó đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm như đặc quyền, đặc lợi, chia rẽ, kiêu ngạo, hẹp hòi, cục bộ… Người luôn yêu cầu cán bộ cách mạng phải có đức và tài, trong đó “đạo đức là gốc”. Do vậy, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền lại càng phải luôn coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị để mỗi người biết liêm sỉ, trọng danh dự, hình thành phương thức làm chủ bản thân; cảnh giác và kiểm soát các ham muốn vật chất và tham vọng quyền lực; phòng ngừa nguy cơ buông thả, không đủ ý chí vượt qua trước “ma lực” của tiền tài, quyền lực, danh vọng.

Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, nêu gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chấp hành nghiêm Quy định số 37-QĐ/TƯ (ngày 25-10-2021) của Ban Chấp hành Trung ương quy định về những điều đảng viên không được làm và phải là người có ý thức cao trong thực hành đạo đức cách mạng, đặc biệt là quán triệt sâu sắc nội dung Quy định số 144-QĐ/TƯ (ngày 9-5-2024) của Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, là kết tinh của tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện những lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thể hiện cụ thể trong suy nghĩ và thực hiện công việc hằng ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

(Còn nữa)

__________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 622

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t. 15, tr. 672

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 55

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 306

(5) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 174-175

PGS.TS Nguyễn Chí Hiếu

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top