Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

17:49 - Thứ Tư, 25/09/2024 Lượt xem: 2255 In bài viết

ĐBP - Ngày 25/9, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát việc triển khai Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giám sát Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thống nhất nội dung làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân bổ hơn 533,2 tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 105,4 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 51/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, tăng 13 xã so với năm 2020; trong đó, có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Số tiêu chí bình quân đạt 14,3 tiêu chí/xã, tăng 2,5 tiêu chí/xã so với năm 2020; toàn tỉnh có 179 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM  nâng cao, kiểu mẫu.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì tỷ lệ giải ngân vốn các năm thấp (riêng vốn ngân sách địa phương năm 2024 chưa thực hiện giải ngân); hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn chưa đồng bộ, còn yếu kém; môi trường ô nhiễm. Quá trình thực hiện một số chương trình, dự án nông nghiệp, nông thôn còn xảy ra sai phạm, tiêu cực; thu nhập người nghèo thấp (bình quân hơn 1,6 triệu đồng/người/tháng). Một số địa phương có tư tưởng thỏa mãn khi có xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM; việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chưa được quan tâm đúng mức, nhất là tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ các vấn đề liên quan đến chương trình xây dựng NTM.

Cùng giai đoạn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được giao hơn 2.119 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ giải ngân đạt 61,4%. Dự kiến đến hết năm 2024, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 22%, giảm 12,8% so với đầu kỳ, đạt 80,4% mục tiêu đến năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 5%/năm. Trong gia đoạn đã hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 lao động, giải quyết việc làm cho 8.700 lao động. Đã có 1.621 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ làm nhà ở. Về thông tin, có 87,2% hộ có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng dịch vụ viễn thông…

Đoàn giám sát đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề, kiểm tra từng tiêu chí trong xây dựng NTM, nhất là tiêu chí về môi trường nông thôn. Phối hợp, rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ. Chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình sinh kế hiệu quả, bền vững cho người dân. Cần khắc phục chất lượng và tiến độ xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP; việc giải ngân các nguồn vốn rất thấp, nhất là nguồn vốn kéo dài.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình một số hạn chế liên quan đến công tác giảm nghèo.

Đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cần kịp thời nắm bắt vấn đề phát sinh ở các địa phương để tháo gỡ; kiểm tra đôn đốc các nhiệm vụ được giao. Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giảm nghèo. Sớm khắc phục một số hạn chế: Việc đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện chương trình tại một số địa phương chậm, nhất là đối ứng về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận ngèo; tình trạng một số xã lúng túng trong việc triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất. Công tác điều tra, rà soát, xác định hộ nghèo còn nhiều khó khăn, chồng chéo, bất cập; tỷ lệ hộ nghèo giảm nghèo chưa bền vững; chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế; công tác tổ chức tập huấn đào tạo nghề chưa hiệu quả.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top