Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng
ĐBP - Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới với trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Do vậy, công tác xây dựng và phát triển Đảng gắn liền với những ưu tiên, quan tâm đối với vùng đồng bào DTTS luôn được cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng. Điều này được minh chứng rõ nét trong suốt tiến trình hình thành và lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh 75 năm qua. Và đó cũng là lý do làm nên những bước tiến mang tính đột phá trong phát triển Đảng ở khu vực này. Từ những “hạt giống” hiếm hoi đầu tiên, Điện Biên đã có những đảng viên khi mới tròn 18, đôi mươi; những gia đình, dòng họ đảng viên người DTTS tiêu biểu, góp phần làm cho Đảng ngày càng vững mạnh trên vùng đất biên cương.
Bài 1: Dòng họ đảng viên ở cực Tây
Từ cuộc kháng chiến chống Pháp, những người con kiên trung họ Pờ ở cực Tây Tổ quốc đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành lớp đảng viên đầu tiên trên vùng đất biên cương xa xôi. Giờ đây, các thế hệ con cháu của họ vẫn tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng nên một dòng họ đảng viên “vững mạnh” và trở thành điểm sáng về tấm lòng son sắt, một lòng tận trung và cống hiến cho Đảng.
Người “thắp lửa” cho Đảng
Từ năm 1953, chàng thanh niên Hà Nhì, Pờ Pố Chừ ở bản Tả Ló San, xã Xính Phình, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũ (nay là xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đã sớm giác ngộ cách mạng, trở thành “ngọn nến” đầu tiên thắp sáng tinh thần yêu nước tại vùng đất biên giới. Năm 1954, Mường Tè được giải phóng. Rồi đến năm 1959, Đội Công an vũ trang - tiền thân của Đồn Biên phòng Leng Su Sìn thành lập. Từ đây, giữa sự đói khát và bộn bề gian khó, những hạt giống cách mạng vẫn tiếp tục được ươm mầm, nảy nở. Chàng thanh niên Pờ Pố Chừ lại là người tiên phong trong số đó, khi cùng 5 thanh niên Hà Nhì khác thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại Xính Phình.
Với tinh thần cách mạng được hun đúc, tôi luyện nhiều năm, đảng viên Pờ Pố Chừ tiếp tục hăng hái, trách nhiệm, dẫn đường cho bộ đội, cùng tham gia tiễu phỉ, trừ gian, lập nhiều chiến công. Bởi vậy mà đảng viên Pờ Pố Chừ được tổ chức tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó cao nhất là Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu. Ngày ấy, Pờ Pố Chừ không chỉ là một người lãnh đạo mà còn trở thành tấm gương sáng được nhiều thanh niên trẻ tuổi người Hà Nhì noi theo.
Tiếp nối truyền thống cách mạng từ người cha, 7 trong số 11 người con của cụ đều nỗ lực không ngừng để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành những hạt nhân tiêu biểu của mảnh đất cực Tây. Một trong số những người con của cụ Pờ Pố Chừ là ông Pờ Diệp Sàng, người đã làm tới chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé rồi Phó ban Dân vận Tỉnh ủy.
Ông Sàng kể rằng, vì ngày đó cuộc sống nghèo khổ, khó khăn nên người trong dòng họ Pờ quyết tâm phải đi học, đi tìm con chữ, với mong muốn có kiến thức để xây dựng quê hương. “Tôi với chú Xinh (Pờ Dần Xinh - em trai ông Pờ Diệp Sàng) cùng đi học. Đường đi lại không thuận lợi như bây giờ. Từ quê hương Sín Thầu phải đi bộ 6 ngày đường đến trung tâm huyện Mường Tè, trên đường đi lúc nào cũng có thể gặp hổ, voi. Ngày đó, anh em tôi không biết sợ, tối đâu ngủ đấy, có bản thì ngủ bản, không thì ngủ rừng, mang theo ống tre đựng nước, nấu cơm. Đã thế người trong bản lại dèm pha bảo chúng tôi lười lao động, trốn việc không chịu ở nhà. Nhưng may mắn là chúng tôi có người bố đảng viên, hết mực động viên, tạo điều kiện cho các con ăn học đến nơi đến chốn.” - ông Sàng nhớ lại.
Nhờ siêng năng, quyết chí, những người con của cụ Pờ Pố Chừ đều được học hành, có kiến thức quay về phục vụ quê hương và nỗ lực phấn đấu vào Đảng. Họ được cấp ủy, chính quyền các cấp tin tưởng giao nhiều trọng trách quan trọng trong Đảng, chính quyền. Ngoài ông Pờ Diệp Sàng, con trai cụ Pờ Pố Chừ còn có ông Pờ Xì Tài cũng là đảng viên, và thay cha mình tiếp nối làm thủ lĩnh cực Tây. Người con thứ hai là Pờ Gia Tự đi bộ đội, bị thương, trở về tham gia công tác chính quyền, từng làm Phó Chánh án TAND huyện Mường Tè. Con thứ ba là Pờ Á Sinh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu; con thứ 5 là Pờ Dần Xinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu gần 20 năm; con thứ 6 là Pờ Dần Sơn, Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Sín Thầu. Còn con gái út là Pờ Mỳ Ly, hiện là Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé.
Những người “giữ lửa”
Tiếp nối truyền thống cha anh, những lớp con em dòng họ Pờ ở cực Tây đã miệt mài nỗ lực để phấn đấu học tập, luyện rèn để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Và chính sự nỗ lực đó, những người con họ Pờ đã tiên phong làm nên những “chuyện lạ” đầu tiên. Như anh Pờ Hùng Sang là sinh viên đầu tiên của người Hà Nhì tốt nghiệp cử nhân báo chí của Học viện Báo chí tuyên truyền, hiện đang làm Bí thư Đảng ủy xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé. Anh Pờ Bạch Quân là chàng trai Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp Học viện Biên phòng; Pờ Bạch Long người đầu tiên tốt nghiệp Học viện An ninh… Không chỉ vậy, “đại gia đình đảng viên” này còn có rất nhiều những người con ưu tú, đã và đang tận hiến sức mình cho Đảng, cho Tổ quốc. Họ là những người lính bảo vệ nơi biên cương, là cán bộ cốt cán của địa phương hay là những đảng viên trẻ làm kinh tế giỏi ngay tại quê hương Mường Nhé…
Đảng viên Pờ Sơn Mé - cháu nội của cụ Pờ Pố Chừ hiện đang làm việc tại xã Sín Thầu. Hơn 10 năm làm Phó Chủ tịch Phụ nữ xã, Pờ Sơn Mé được đánh giá là người năng nổ, nhiệt tình trong các công tác xã hội, đặc biệt là trong các hoạt động bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tiếp nối truyền thống gia đình, ngay từ khi bước chân vào học chuyên nghiệp chị đã thể hiện quyết tâm và cống hiến trong công tác xã hội cũng như trên con đường phấn đấu vào Đảng.
Mọi nỗ lực được đền đáp khi năm 2022, Pờ Sơn Mé được kết nạp Đảng, làm dày thêm truyền thống cách mạng của dòng họ. Chị Pờ Sơn Mé cho biết, bản thân cảm thấy rất tự hào khi được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, có ông nội là người đảng viên đầu tiên ở biên giới Mường Nhé. Chính niềm tự hào đó đã tạo động lực cho chị nỗ lực phấn đấu, học tập rèn luyện mỗi ngày để được vào Đảng. Và khi có được niềm vinh dự đó, chị lại càng cảm thấy trách nhiệm hơn với dòng họ, bà con ở quê hương mình. Điều chị luôn canh cánh đó là làm sao để tròn nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân đã giao phó.
Pờ Sơn Mé nói vui: “Không nói đến họ nhà tôi, riêng gia đình tôi đã đủ điều kiện thành lập chi bộ khi có tới 7 đảng viên trong một nhà. Bố tôi - Pờ Dần Sơn đã là đảng viên từ rất lâu. Chị gái và em trai tôi đều được kết nạp Đảng ngay khi còn là sinh viên. Em gái tôi cũng đang làm hồ sơ kết nạp Đảng. 3 chàng rể cũng phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Còn gì vui hơn khi người cùng gia đình nhưng cũng là những người đồng chí, cùng đồng lòng xây dựng quê hương!”.
Và những đảng viên dòng họ Pờ đã góp phần làm nên kỳ tích ở cực Tây. Từ một trong những địa bàn khó khăn nhất cả nước, không điện, không đường giao thông, tỷ lệ hộ nghèo cao, nay trở thành xã đầu tiên cán đích nông thôn mới của huyện Mường Nhé. Không những thế, sự phấn đấu không ngừng nghỉ của họ là nguồn cảm hứng cho cộng đồng người Hà Nhì nói riêng và cho thế hệ trẻ tại Mường Nhé nói chung, tiếp tục góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương. Rất nhiều những thanh niên trẻ trong cộng đồng người Hà Nhì hôm nay không còn đặt câu hỏi “vào Đảng để làm gì?” bởi cống hiến của dòng họ Pờ - những người “giữ lửa” cách mạng ở cực Tây đã tiếp thêm cho họ nhiệt huyết được đứng trong hàng ngũ của Đảng, để được Đảng giáo dục, rèn luyện trở thành người có ích cho quê hương.