Đánh giá kỹ khả năng huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa

14:24 - Thứ Ba, 08/10/2024 Lượt xem: 1711 In bài viết

Chính phủ dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035 là hơn 256 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về khả năng bố trí cũng như giải ngân trên thực tế; đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình.

Dự kiến chi hơn 256 nghìn tỷ đồng phát triển văn hoá

Sáng 8/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Quang cảnh phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. 

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng; giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035.

Chương trình đặc ra 7 mục tiêu tổng quát bao gồm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân…

Đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực 

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời gian thực hiện Chương trình, từ năm 2025 đến hết năm 2035.

 Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp.

Về kinh phí thực hiện Chương trình, Ủy ban cơ bản nhất trí với dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.

“Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội có ý kiến, tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn; cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết. 

Về dự kiến kế hoạch bố trí và tiến độ nguồn vốn, Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc, điều chỉnh mức phân bổ kinh phí theo hướng tập trung nhiều hơn cho giai đoạn 2028-2030 để phù hợp với thực tiễn công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện Chương trình. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ xác định rõ nguồn vốn thực hiện Chương trình năm 2025 trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để có cơ sở triển khai thực hiện.

Về khả năng huy động nguồn lực để thực hiện, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp rà soát để xác định nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn, trong khi qua theo dõi sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công trong lĩnh vực văn hoá những năm qua thấy khả năng giải ngân rất khó khăn

“Nếu bố trí vốn lớn trong khi khả năng giải ngân không thực hiện được sẽ gây ra nhiều quan ngại”, ông Lê Quang Mạnh nêu băn khoăn.

Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh dẫn chứng, giai đoạn 2012-2015, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có tổng kinh phí dự kiến gần 8.000 tỷ đồng nhưng thực tế thực hiện chỉ được hơn 1.700 tỷ; giai đoạn 2016-2020 dự kiến là 10.620 tỷ nhưng bố trí tổng số được 2.700 tỷ. 

Theo ông Lê Quang Mạnh, các chương trình hạ tầng lớn thì giải ngân tốt hơn, chi tiêu tiền có định mức; còn đối với lĩnh vực văn hoá, yêu cầu cao nên việc chi vài chục đến vài trăm tỷ cũng là khó khăn.

“Một dự án làm cầu, làm đường, chúng ta đã làm rất nhiều, có nhiều dự án giống nhau. Nhưng khi dự án có quy mô từ 2.000-3.000 tỷ thì phải cần vài năm để chuẩn bị, thậm chí có dự án chuẩn bị hàng chục năm, đến khi thực hiện còn thay đổi rất nhiều. Quy mô Chương trình lớn như thế này và dự kiến thực hiện đầu tư trong 1 năm là ngắn. Do đó, cần quan tâm đến chuẩn bị đầu tư, vì chuẩn bị đầu tư tốt thì thực thi giải ngân hiệu quả và mới đạt mục tiêu đề ra”, ông Mạnh nói.

Cho biết trong nhiệm kỳ sau có rất nhiều dự án lớn cần đầu tư như đường cao tốc Bắc - Nam vẫn tiếp tục đầu tư; dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, ông Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ cần đánh giá tổng thể nguồn vốn để bố trí cho các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình, phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn lực quốc gia đặt trong tổng thể Chương trình đầu tư trung hạn giai đoạn 2025-2030, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương thực hiện; bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của Chương trình.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top