Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Đột phá trong phát triển Đảng vùng dân tộc thiểu số ở Điện Biên (bài 3)

14:48 - Thứ Tư, 09/10/2024 Lượt xem: 2909 In bài viết

Bài 3: Xây Đảng trong đồng bào

ĐBP - Thực tiễn công tác xây dựng Đảng nhiều năm qua cho thấy, việc giác ngộ lý tưởng, phát triển đảng là nhiệm vụ không hề dễ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vốn nhiều hạn chế. Bởi vậy, hành trình phát triển đảng vùng đồng bào DTTS của Điện Biên là một chặng đường gian nan, song cũng đầy tự hào. Những nỗ lực kết nạp đảng viên mới và bồi dưỡng cán bộ người địa phương đã giúp đảng ngày thêm lớn mạnh, củng cố niềm tin son sắt của đồng bào biên giới.

Bài 2: Những đảng viên tuổi “trăng tròn”

Bài 1: Dòng họ đảng viên ở cực Tây

Những bước chân đặt nền móng

Đồng chí Nguyễn Bá Lạc (Trần Quốc Mạnh), Trưởng Ban cán sự Đảng Lai Châu (từ tháng 10/1949 - 5/1950), Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu khóa I. Ảnh tư liệu

Giai đoạn những năm 1945 - 1954, thực dân Pháp cho quân càn quét, áp bức đồng bào Tây Bắc. Trong bối cảnh đó, Đội xung phong Quyết tiến ra đời, đã dẫn dắt và xây dựng phong trào cách mạng rộng lớn trong Nhân dân các dân tộc địa phương, nhất là đồng bào vùng cao. Vấn đề cấp bách đặt ra lúc bấy giờ là phải có một tổ chức Đảng để làm hạt nhân lãnh đạo, tổ chức quần chúng Nhân dân đấu tranh và tiến hành cuộc kháng chiến thắng lợi.

Ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Đảng Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Điện Biên ngày nay) chính thức được thành lập, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Bá Lạc (bí danh Trần Quốc Mạnh), Tỉnh ủy viên Yên Bái làm Trưởng ban; đồng chí Hoàng Đông Tùng, Đội trưởng Đội xung phong Lai Châu và đồng chí Tạ Nhật Tựu (bí danh Hoàng Hoa Thưởng), cán bộ Văn phòng Liên khu ủy 10 làm ủy viên.

Theo quyết định của Liên Khu ủy 10, tất cả 20 đảng viên ban đầu (là cán bộ và bộ đội vũ trang tuyên truyền) cử vào công tác ở Lai Châu đều sinh hoạt chung trong “Chi bộ Lai Châu”. Đồng chí Trần Quốc Mạnh được cử làm Bí thư chi bộ. Từ đây phong trào đấu tranh của đồng bào Tây Bắc đã có Đảng lãnh đạo, dẫn đường.

Đến tháng 7/1950, số lượng đảng viên của Lai Châu đã tăng thêm thành 40 đồng chí, song chưa có đảng viên là người địa phương. Ngày 1/8/1951, trước những yêu cầu, đòi hỏi thực tế, Ban Cán sự Đảng Lai Châu quyết định tách chi bộ Lai Châu thành 4 chi bộ, gồm: Văn phòng Ban cán sự tỉnh, Quỳnh Nhai, Điện Biên và Tuần Giáo. Trong đó, Ban cán sự Đảng tỉnh xác định vai trò hạt nhân quan trọng của đảng viên là người địa phương để ưu tiên định hướng phát triển.

Từ các phong trào cách mạng, những quần chúng trung kiên sẽ được tổ chức đảng dẫn dắt, xem xét kết nạp đảng. Trong ảnh: Bộ đội công binh và dân công làm đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên năm 1953. Ảnh tư liệu

Điều này thể hiện ở nội dung đột phá tại Nghị quyết số 03, ngày 27/7/1950 của Ban cán sự Đảng: “Mỗi chi bộ (trừ chi bộ huyện Quỳnh Nhai) trong 3 tháng phải phát triển được 3 - 5 đảng viên trở lên; việc kết nạp đảng viên mới phải châm chước điều kiện, chỉ cần trung thành, có tinh thần hy sinh, tích cực trong công tác, giác ngộ, thừa nhận lập trường của Đảng, có tư cách đúng đắn, có uy tín với Nhân dân, không nghiện thuốc phiện”. Với chủ trương này, các chi bộ: Tuần Giáo, Điện Biên tích cực giáo dục, giác ngộ, thử thách và tổ chức kết nạp đảng viên mới đối với quần chúng người bản địa. Trong đó, đối tượng hướng đến là những quần chúng trung kiên phát triển từ các phong trào cách mạng địa phương.

Tại Chi bộ Tuần Giáo, người Mông đầu tiên vinh dự đứng trong hàng ngũ của đảng là ông Mùa A Sinh; chi bộ Điện Biên kết nạp được 3 đảng viên cũng người Mông là Mùa Sống Lử, Vàng Nhè Trống, Sùng Giống Lềnh. Sau lớp đầu tiên này, hàng loạt các thế hệ quần chúng trung kiên người DTTS khác được kết nạp đảng. Phát huy vài trò của mình, họ đã tích cực tham gia cùng tổ chức Đảng dẫn dắt đồng bào các dân tộc hoàn thành thắng lợi các phong trào cách mạng ở địa phương. Đồng thời bổ sung, củng cố và làm lớn mạnh thêm tổ chức Đảng ở khắp các cơ sở trong tỉnh.

Hiện nay, việc kết nạp đảng tại Di tích, địa danh lịch sử là một trong những đổi mới đang được nhiều chi bộ thực hiện, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho đảng viên mới.

Đảng lớn mạnh cùng đồng bào

Nhiều tài liệu ghi chép về lịch sử xây dựng, phát triển đảng qua các thời kỳ đều thẳng thắn nhìn nhận, với hàng loạt đặc thù của tỉnh miền núi biên giới đa dân tộc, công tác phát triển đảng ở Điện Biên, nhất là đảng viên người DTTS gặp không ít khó khăn. Song, bằng quyết tâm chính trị cao, tại mỗi kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đều xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể liên quan đến nội dung này. Trong suốt tiến trình 75 năm qua, Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, đi cùng với đó là các kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết, nhằm tập trung, đồng bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Nhiều thanh niên đồng bào DTTS được giác ngộ, quyết tâm phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của đảng. Trong ảnh: Thanh niên viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, cống hiến cho Tổ quốc.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Gần đây nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 9/6/2023 về “Phát triển tổ chức đảng, đảng viên, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo”. Từ đó nhằm tăng cường, củng cố, nâng cao vai trò của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở những xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện phương châm “ở đâu có dân, ở đó có đảng viên”, “ở đâu có thôn, bản, ở đó có tổ chức đảng”, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác phát triển đảng trong vùng đồng bào DTTS nhằm cụ thể hóa mục tiêu “xóa” thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có tổ chức đảng. Mỗi địa phương xây dựng những giải pháp cụ thể, phù hợp với địa bàn của mình.

Với sự quan tâm của các cấp, số lượng đảng viên ngày càng phát triển mạnh mẽ tại vùng đồng bào DTTS ở Điện Biên.

Đơn cử như tại huyện Tuần Giáo, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào DTTS hiểu đúng về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phân công các đồng chí cấp ủy viên và bố trí đảng viên là người địa phương về sinh hoạt tại chi bộ, thôn bản để làm hạt nhân nòng cốt, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Chú trọng tạo nguồn phát triển đảng viên từ việc tổ chức, phát động các phong trào, hoạt động trực tiếp ở xã, bản, địa bàn dân cư… Nhờ vậy, đội ngũ đảng viên người DTTS không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Nếu như ngày đầu thành lập, chi bộ Tuần Giáo (tiền thân Đảng bộ huyện Tuần Giáo ngày nay) chỉ có 9 đảng viên, không có người địa phương, thì đến nay đã phát triển lên 5.283 đồng chí, trong đó có 4.008 đảng viên DTTS (chiếm gần 76%).

Công tác bồi dưỡng chính trị, kết nạp đảng viên mới là người DTTS luôn được huyện Tuần Giáo quan tâm, chú trọng. Trong ảnh: Lãnh đạo Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Tuần Giáo trao chứng nhận bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học viên mới.

Theo thống kê từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh Điện Biên kết nạp 8.279 đảng viên, trong đó đảng viên người DTTS 5.269 đồng chí, chiếm 63,6% tổng số đảng viên kết nạp; bình quân mỗi năm kết nạp gần 2.500 đảng viên. Qua đó, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên hơn 48.100 đồng chí. Nếu như, đầu nhiệm kỳ trên địa bàn tỉnh còn 74/1.446 thôn, bản chưa có chi bộ, thì đến nay 100% thôn, bản đều đã có đảng viên, tổ chức đảng.

Với không ít rào cản mang tính đặc thù thì những kết quả trong phát triển đảng nói chung, phát triển đảng viên người DTTS nói riêng của tỉnh Điện Biên là sự nỗ lực rất lớn. Những con số “đột phá” đó đã giúp Điện Biên vươn lên trở thành một trong những tỉnh đứng đầu về tỷ lệ phát triển đảng viên theo Nghị quyết số 21-NQ/TW. Tuy nhiên, tại nhiều cuộc giao ban, họp bàn, tổng kết, đánh giá gần đây, Đảng bộ tỉnh cũng đã nhìn nhận và chỉ ra không ít thách thức mới phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá, đồng bộ hơn nữa để “giải mã” thách thức này.

Bài 4: “Giải mã” thách thức

Hà Linh - Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top