Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng
Bài cuối: “Giải mã” thách thức
ĐBP - Mặc dù đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khi chỉ tiêu kết nạp Đảng hàng năm đều đạt, thậm chí vượt kế hoạch đề ra. Song quá trình thực hiện trong giai đoạn hiện nay phải đối mặt với không ít khó khăn do thiếu nguồn, làm ảnh hưởng tới số lượng, chất lượng kết nạp đảng viên. Muốn thành công Điện Biên cần có những giải pháp mang tính đột phá.
Bài 3: Xây Đảng trong đồng bào
Nhận diện khó khăn
Hiện nay, Đảng bộ huyện Mường Nhé có 44 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 198 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, trong đó có 116/116 thôn, bản có chi bộ. 6 tháng đầu năm 2024, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 80 đảng viên, chuyển chính thức 45 đảng viên dự bị. Qua đó, nâng tổng số đảng viên toàn huyện lên 2.804 đồng chí. Tuy nhiên, theo đánh giá của Huyện ủy Mường Nhé, công tác phát triển đảng viên trên địa bàn hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm nguồn đảng viên mới.
Ông Phạm Mỹ Nam, Phó ban Tổ chức Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Trên địa bàn huyện hiện nay đang có thực trạng một bộ phận học sinh, sinh viên rất ít người muốn trở về địa phương do cơ hội việc làm và thu nhập thấp. Đội ngũ thanh niên lao động tại địa phương thì do trình độ học vấn còn hạn chế, sinh nhiều con nên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kết nạp đảng theo quy định. Một số khác lại không có tư tưởng, nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, ngại va chạm, không tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của địa phương nên không đủ căn cứ đánh giá là quần chúng ưu tú đề nghị cấp ủy bồi dưỡng, xem xét kết nạp đảng. Trong khi đó, nhiều quần chúng đã được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhưng thường xuyên đi làm ăn xa, chưa muốn tiếp tục phấn đấu vào Đảng.
Chi bộ bản Pá Mỳ 1 - bản trung tâm của xã Pá Mỳ (huyện Mường Nhé) có 12 đảng viên, trong đó 9 đảng viên nông thôn, 3 đảng viên là công chức xã cùng sinh hoạt. Trong năm 2023, Chi bộ bản kết nạp được 4 đảng viên mới và công nhận 2 quần chúng ưu tú để theo dõi, bồi dưỡng. Thành tích được đánh giá là nổi trội so với các địa bàn trong cùng khu vực, song nhiều lo ngại cũng phát sinh khi thực tế cho thấy, nguồn đang dần cạn.
Ông Vàng A Sáu, Bí thư Chi bộ bản Pá Mỳ 1 chia sẻ: “Hiện nay, vì đời sống còn khó khăn nên nhiều thanh niên trong bản đi làm ăn xa để phát triển kinh tế. Bởi vậy, nguồn kết nạp đảng từ nhóm thanh niên là rất ít, gần như đã cạn trong năm tới. Còn số ở nhà thì nhận thức về Đảng hạn chế hoặc lại vi phạm chính sách dân số. Đây là khó khăn rất lớn với chi bộ để phát triển đảng viên trong thời gian tới”.
Không chỉ tại huyện Mường Nhé, thực tế này cũng ghi nhận và được đánh giá tại các báo cáo chính trị của nhiều huyện khác, như: Mường Chà, Điện Biên, Điện Biên Đông… Theo ông Bùi Xuân Trường, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên, sâu xa nhất vẫn là xuất phát từ đời sống kinh tế vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn nên đoàn viên, thanh niên có trình độ văn hóa phần lớn đi làm ăn xa, lập nghiệp nơi khác.
“Ở những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, một số thanh niên DTTS ở lại địa phương còn lo phát triển kinh tế, ngại phấn đấu, chưa tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Một số trường hợp khác lại vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình hoặc tham gia tổ chức tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận, dẫn tới tình trạng thiếu nguồn đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Tình trạng “già hóa” sẽ kéo dài nếu như thanh niên DTTS ở nông thôn không có việc làm và thu nhập ổn định tại quê hương” - ông Trường cho biết.
“Giải mã” thách thức
Thực tế trên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải, không chỉ là áp lực với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tìm nguồn, lựa chọn đối tượng để kết nạp Đảng, mà còn là việc giải quyết bài toán về việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt là đối tượng thanh niên ngay tại địa phương, từ đó làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng làm quần chúng kết nạp Đảng.
Để tiếp tục làm tốt công tác phát triển đảng viên là người DTTS, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải vận dụng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Mà trong đó, việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đồng bào DTTS có vai trò hết sức quan trọng.
“Phải xác định công tác xây dựng tổ chức đảng, kết nạp đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thậm chí, giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên đối với các tổ chức cơ sở Đảng ở các xã, thôn, bản, khắc phục dứt điểm tình trạng chi bộ thôn, bản nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Song song với đó là thực hiện tốt công tác quy hoạch và bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên phù hợp với điều kiện cụ thể của đồng bào DTTS” - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bùi Xuân Trường nhấn mạnh.
Xác định yếu tố then chốt, quyết định đến phát triển Đảng ở vùng DTTS là tạo nguồn. Do vậy, việc mở rộng, đa dạng đối tượng nguồn được xem là cần thiết. Trong đó, tăng cường phát triển nguồn đảng viên từ học sinh các trường THPT, nhất là các trường THPT dân tộc nội trú. Nguồn cũng có thể là những thanh niên từng rèn luyện trong môi trường quân đội, xuất ngũ trở về địa phương; người có uy tín đối với đồng bào, kể cả những người đã lớn tuổi, nếu trình độ họ còn yếu thì phải đào tạo. Trên cơ sở nguồn, các Trung tâm Chính trị cấp huyện xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với từng đối tượng và đảm bảo theo quy định.
Các đoàn thể quần chúng nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào, thông qua hoạt động để tập hợp, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên ở các thôn, bản tham gia. Đặc biệt, chú trọng xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên vững mạnh ở các thôn, bản và coi đây là một trong những kênh tạo nguồn quan trọng nhất để kết nạp đảng viên. Ngoài ra, việc kết nạp quần chúng đảm bảo đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, nhưng cần chấn chỉnh kịp thời tư tưởng hẹp hòi, định kiến, cục bộ.
Một giải pháp quan trọng không kém là tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS. Phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Bà con gắn bó với quê hương, bản làng, không phải đi làm ăn xa, là cơ sở để bồi dưỡng, phát triển được đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Các địa phương chú trọng triển khai các mô hình phát triển kinh tế, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, tạo điều kiện cho đồng bào nhất là lớp thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm. Phát động các phong trào thanh niên sáng tạo khởi nghiệp, lập thân lập nghiệp, giúp thanh niên bám trụ lại quê hương phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu về kinh tế, từ đó góp phần làm “giàu” nguồn kết nạp đảng.