Ký ức ngày tách tỉnh

14:24 - Thứ Năm, 10/10/2024 Lượt xem: 2047 In bài viết

ĐBP - Ngày 26/11/2003, Nghị quyết kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XI, quyết định từ ngày 1/1/2004, tỉnh Lai Châu chia tách thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Hai mươi năm trôi qua, những ngày đầu mới chia tách, thành lập hai tỉnh là những ký ức khó quên, dẫu nhiều gian khó nhưng ai cũng khấp khởi niềm vui, hi vọng mới.

TP. Lai Châu hiện đại và phát triển. Ảnh: Bùi Tiến Dũng

Những cảm xúc buồn vui, những kỷ niệm không thể nào quên là ký ức chung của lớp cán bộ đầu tiên trở về Lai Châu ngày ấy. Xây dựng gia đình và công tác tại Điện Biên nhiều năm, ngày chia tách tỉnh, ông Bùi Văn Mác (hiện đang sinh sống tại tổ 1, phường Đoàn Kết, TP. Lai Châu) quyết định chuyển công tác về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu. Để hợp lý hóa gia đình, vợ ông Mác cũng quyết định làm đơn xin chuyển công tác lên Lai Châu. Ngày hai vợ chồng khăn gói tư trang đi Lai Châu, ông Mác và vợ cùng lau nước mắt cho nhau. Bởi ngày đó cũng là ngày hai vợ chồng phải xa hai người con, một gia đình mà mỗi nơi mỗi nửa.

“Lúc chia tay hai con để đi Lai Châu, cả nhà ôm nhau khóc. Nhưng, vì đã xác định tâm lý từ trước nên nỗi buồn nhanh chóng được xua đi, thay vào đó là lời nhắc nhở, động viên nhau cùng cố gắng…”, ông Mác nhớ lại.

Mặc dù là người từng trải, đã đối mặt với nhiều khó khăn nhưng những hình ảnh về Lai Châu thời điểm chia tách, hoang sơ, thiếu thốn vẫn luôn ấn tượng trong lòng ông Mác. Giao thông khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, cán bộ chuyển tỉnh ở cùng nhau trong các dãy nhà tập trung… Bộn bề khó khăn song với tinh thần trách nhiệm, ông Mác cùng lớp cán bộ ngày ấy đều quyết tâm nỗ lực vượt khó để xây dựng Lai Châu phát triển. Noi gương bố mẹ, hai con của ông Mác sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã chuyển lên Lai Châu làm việc và xây dựng cuộc sống.

Ông Bùi Văn Mác (tổ 1, phường Đoàn Kết, TP. Lai Châu) tìm hiểu thông tin trên Báo Lai Châu.

Ông Mác chia sẻ: “Ngày đó tất cả cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Điện Biên lên trên này công tác mục tiêu là để xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển. Quyết tâm đó đã át đi chuyện xa nhà, những khó khăn trước mắt. Giờ đây, chứng kiến sự thay đổi rõ nét của tỉnh Lai Châu, bản thân tôi cảm thấy thực sự rất phấn khởi, tự hào về mảnh đất đã gắn bó 20 năm qua. Môi trường sống ngày càng phát triển, gia đình sum vầy, con cái trưởng thành. Điều đó với vợ chồng tôi không còn gì hạnh phúc hơn”.

Những tấm ảnh chụp trong ngày chia tay đồng nghiệp lên Lai Châu công tác được bà Phạm Thị Thảo, hiện đang sinh sống tại TP. Hà Nội lưu giữ cẩn thận. Năm 2004, bà Thảo khi ấy đang công tác tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh. Khi có quyết định tách hai tỉnh Điện Biên, Lai Châu, cũng như nhiều cơ quan, đơn vị khác của tỉnh, cán bộ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh gần như chia hai: Một phần ở lại Điện Biên tiếp tục công việc, một phần chuyển công tác lên Lai Châu.

Đến bây giờ, bà Thảo vẫn nhớ như in những ngày tháng gian nan khi chuyển địa bàn làm việc. Như bao cán bộ, công chức thời ấy, không một ai trong đơn vị có nhà riêng nên chỗ ở tạm bợ, đời sống khó khăn. Địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng yếu kém, đội ngũ cán bộ còn thiếu hụt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều hủ tục, lạc hậu… Khó khăn là vậy, nhưng ai cũng mang trong mình tinh thần phấn khởi, nguyện đồng lòng, góp sức để xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.

TP. Lai Châu thời gian đầu mới chia tách. Ảnh tư liệu

Năm 2004, gia đình ông Hà Huy Đạt, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) bùi ngùi tiễn con trai lên đường đi Lai Châu lập nghiệp. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tổng hợp Điện Biên, chàng trai trẻ Hà Huy Điệp mang theo nhiệt huyết và khát khao cống hiến xây dựng vùng đất Lai Châu. Lo lắng, e ngại là cảm xúc của anh Điệp khi ngày đầu đặt chân đến mảnh đất mới. Tại đây, dù bộn bề thiếu thốn, song điều anh Điệp vẫn ghi nhớ nhất đó là tình cảm chân thành, bao bọc của đội ngũ cán bộ. Mỗi người mỗi cảnh, cùng chung nhiệm vụ công tác tại Lai Châu, ai cũng coi nhau như người nhà. Sau ngày làm việc, mọi người lại quây quần, cùng ăn cơm, trò chuyện, chia sẻ động viên nhau bên ấm trà nóng.

Nhớ lại những ngày đầu mới xa gia đình, anh Điệp cho biết thêm: “Nhớ nhà, nhớ bố mẹ và các em, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, tôi lại đi xe máy về thăm nhà. Ngày ấy, đường sá đi lại khó khăn, đường xấu khiến tôi không dám đi nhanh. Có lần đi phải 8 - 9 giờ mới về đến nhà. Những cái ôm thật chặt, lời hỏi thăm ân cần và nụ cười rạng rỡ của người thân khiến tất cả những lo toan, xa cách dường như tan biến, tiếp thêm động lực để tôi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Câu chuyện của 20 năm, với nhiều người vẫn hiển hiện như từng thước phim quay chậm, đậm nét và khó quên. Qua 2 thập kỷ, vượt qua những thách thức, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc hai tỉnh đã đoàn kết đồng lòng đưa Điện Biên, Lai Châu tiếp tục phát triển với những thành tựu mới.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top