Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Đối thoại, tiếp dân - chất keo gắn kết lòng tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền (bài 4)

06:58 - Thứ Bảy, 12/10/2024 Lượt xem: 2305 In bài viết

Bài 4: Hình thành thủ phủ “cây tỷ đô” ở Tây Bắc

ĐBP - Trong khi tỉnh phải điều chỉnh giảm diện tích các dự án trồng mắc ca, một số địa phương đang gặp khó khăn trong việc quản lý vườn mắc ca hiện có thì 3 năm gần đây, huyện Tuần Giáo lại dồn lực trồng mới trên 5.000ha cây mắc ca. Có ý kiến cho rằng đây là quyết định mạo hiểm, song huyện Tuần Giáo lại có cơ sở vững chắc để thực hiện. Đó là tinh thần quyết tâm, dám nghĩ dám làm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự tin tưởng, đồng thuận của người dân trên địa bàn.  

Bài 3: Ổn định dân cư vùng giáp ranh

Bài 2: “Chìa khóa” gỡ khó giải phóng mặt bằng

Bài 1: Dự án chậm tiến độ và cuộc gặp của Bí thư Tỉnh ủy

Cách tuyên truyền đặc biệt

Cây mắc ca đã được trồng thử nghiệm tại huyện Tuần Giáo, bước đầu cho thấy chất lượng, hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, dự án trồng mắc ca tại địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chế độ chính sách đối với các hộ dân tham gia bị chậm trễ phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của nhân dân. Do đó, làm thế nào để gây dựng lại niềm tin trong nhân dân là việc lãnh đạo huyện Tuần Giáo trăn trở.

“Đối với loại cây trồng mới như mắc ca, cấp ủy, chính quyền địa phương phải có giải pháp để người dân mắt thấy, tai nghe và thực sự cảm nhận được những giá trị của sản phẩm mắc ca. Có như vậy mới tạo được lòng tin, sự đồng thuận từ người dân đối với chủ trương trồng mắc ca của huyện” - ông Lê Xuân Cảnh, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo chia sẻ.

Hội nghị đối thoại của người đứng đầu cấp ủy Tuần Giáo với người dân các xã về chủ trương phát triển cây mắc ca trên địa bàn.

Giải pháp huyện Tuần Giáo lựa chọn đó là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người dân. Theo đó, huyện Tuần Giáo xây dựng kế hoạch đối thoại với dân tại 18/18 xã dự kiến trồng cây mắc ca. Tại các buổi đối thoại, lãnh đạo huyện Tuần Giáo đã thông tin đến người dân về định hướng phát triển cây mắc ca của huyện; các chính sách hỗ trợ về cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật cho người trồng… Đồng thời, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của bà con.

Ông Lò Văn Tươi, người dân bản Phủ, xã Quài Cang cho biết: “Tham gia buổi đối thoại, trực tiếp được nghe lãnh đạo huyện thuyết minh về chủ trương trồng cây mắc ca, tôi cảm nhận được sự quyết tâm, tâm huyết của huyện. Tôi cũng biết khi tham gia trồng mắc ca, người dân được hỗ trợ những gì; phải làm những công việc gì; thời điểm nào cần tưới nước, bón phân; khi cây bệnh, cây chết phải gọi cho ai, đơn vị nào có thể hỗ trợ; sản phẩm làm ra bán ở đâu, cho ai và mức giá như thế nào. Tôi yên tâm và đăng ký tham gia trồng mắc ca”.

Người dân xã Quài Cang nêu kiến nghị về các chính sách hỗ trợ trồng cây mắc ca.

Chỉ một vài cuộc gặp gỡ, đối thoại là chưa đủ, để triển khai trồng mắc ca thuận lợi, huyện Tuần Giáo thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng, kết nối từ huyện đến các tổ hợp tác (tương ứng với bản, nhóm bản) để đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ cây. Theo đó, huyện Tuần Giáo đã thành lập 156 nhóm zalo, tập trung vào công tác trồng và chăm sóc mắc ca. Trong đó, 1 nhóm lớn cấp huyện, có sự tham gia của Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực nông nghiệp; trưởng, phó, cán bộ chuyên môn một số phòng liên quan, 18 chủ tịch UBND xã và 155 nhóm tổ hợp tác trồng mắc ca, tương ứng với 100% bản, nhóm bản có hộ dân tham gia trồng mắc ca trên địa bàn. Các xã, tổ hợp tác báo cáo, phản ánh, trao đổi tình hình, những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ở cơ sở để xử lý kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, huyện còn thực hiện quay các video hướng dẫn kỹ thuật cụ thể theo từng quy trình: Đào hố, khử chua, bón phân, lấp hố, chăm sóc trong những ngày đầu sau trồng... gửi vào các nhóm Zalo.

Người dân chăm sóc cây mắc ca theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn huyện Tuần Giáo.

Anh Hờ A Lử, bản Pú Xi 1 (xã Pú Xi) cho biết: “Thông tin được cập nhật liên tục, hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu. Như tôi, lần đầu tiên trồng mắc ca có nhiều bỡ ngỡ mà xem video hướng dẫn là cũng dễ dàng thực hiện theo, cơ bản đảm bảo yêu cầu. Đồng thời, các vấn đề phát sinh hoặc người dân chưa hiểu rõ thì cũng được lãnh đạo và cán bộ chuyên môn kịp thời trao đổi luôn, rất nhanh chóng, thuận tiện”.

Khi cơ chế, quy trình sản xuất đã có, huyện Tuần Giáo tập trung tìm hướng đi bền vững cho cây mắc ca. Tháng 6/2023, huyện Tuần Giáo đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tập đoàn TH. Đến tháng 12/2023, UBND huyện Tuần Giáo tiếp tục đón Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đến thăm, khảo sát. Trong Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo giai đoạn 2023 - 2030, định hướng đến năm 2050, các tổ chức, doanh nghiệp đều cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm mắc ca.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

UBND huyện Tuần Giáo đã thành lập 18 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các dự án trồng mắc ca và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn. Huyện cũng thành lập 155 tổ hợp tác tương ứng với các bản, cụm bản tham gia trồng mắc ca.

Công việc được triển khai nhanh chóng. Các lực lượng công an, quân sự, dân quân, đoàn thanh niên tỏa ra khắp các xã hỗ trợ các hộ neo người đào hố trồng mắc ca. UBND huyện tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng, chăm sóc mắc ca. Đầu mùa mưa, huyện Tuần Giáo tổ chức Ngày hội trồng mắc ca với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, cán bộ và người dân tại 18/18 xã. Mỗi chiến dịch thu hút khoảng 1.000 người tham gia.

Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo Lê Xuân Cảnh (ngoài cùng bên trái) kiểm tra các dự án trồng mắc ca theo hướng liên kết.

Không chỉ đồng hành cùng người dân lúc xuống giống, lãnh đạo, cán bộ huyện Tuần Giáo luôn quan tâm, đồng hành cùng người dân trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mắc ca. Đơn cử, đợt tháng 9/2023, sau 2 tháng xuống giống, cục bộ tại một số vườn mắc ca trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng lá úa vàng, cây chết. Ngay khi nắm bắt tình hình, UBND huyện Tuần Giáo đã đi thực tế kiểm tra, xác định nguyên nhân cây chết và tổ chức họp trực tuyến với các xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, đại diện các gia đình trồng mắc ca để thực hiện các biện pháp khắc phục, chăm sóc.

Huyện Tuần Giáo cũng thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra thực địa, chỉ đạo công tác chăm sóc mắc ca theo từng giai đoạn và điều kiện thời tiết. Như giai đoạn cây vào thời kỳ kiến thiết cơ bản, cần tưới nước thường xuyên giúp cây phát triển nhanh thân, cành, lá. UBND huyện yêu cầu các xã khuyến cáo người dân chủ động nguồn nước; huy động, phân công nhiệm vụ cho đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, lực lượng dân quân tự vệ... tổ chức giúp các gia đình khó về nguồn nước, thiếu nhân công lao động.

Ông Lò Văn Pánh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sinh cho biết: “Vào giai đoạn kiến thiết, UBND xã hướng dẫn người dân duy trì tưới nước cho cây mắc ca 2 lần/tuần. Hộ nào thuận lợi thì kéo ống dẫn nước, dùng máy bơm tưới. Hộ nào khó thì chủ động đào hố tại vườn, rải bạt để tích nước. Đến nay, 100% diện tích cây mắc ca trên địa bàn đều sinh trưởng, phát triển tốt”.

Ông Cà Văn Hoài, bản Co Đứa, xã Mường Khong (huyện Tuần Giáo) kiểm tra độ sinh trưởng, phát triển của vườn cây mắc ca.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, diện tích cây mắc ca tại Tuần Giáo nhanh chóng được mở rộng. Năm 2022 huyện trồng mới được 150ha mắc ca; năm 2023 trồng mới gần 1.700ha và năm 2024 trồng mới 3.300ha, nâng tổng diện tích cây mắc ca toàn huyện lên hơn 6.000ha. Huyện Tuần Giáo phấn đấu hết năm 2025, toàn huyện sẽ có trên 8.000ha mắc ca, bình quân mỗi hộ dân sở hữu 100 cây mắc ca. 

Năm 2023, xã Mường Khong có 117 hộ trồng mắc ca với tổng diện tích 48ha; năm 2024, có thêm 115ha mắc ca được trồng mới với 240 hộ dân tham gia. Xã Mường Khong được huyện quy hoạch là vùng lõi của Dự án Phát triển mắc ca công nghệ cao với tổng diện tích 2.000ha.

Ông Cà Văn Hoài, người dân bản Co Đứa, xã Mường Khong chia sẻ: “Thực hiện chủ trương của huyện Tuần Giáo, năm 2023 tôi đăng ký trồng 1ha; năm 2024 trồng thêm 1ha. Tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Hiện nay toàn bộ diện tích cây mắc ca đều sinh trưởng, phát triển tốt”.

Bài 5: Bài học từ việc gần dân, trọng dân

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top