Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Những điểm tựa của bản làng biên giới Điện Biên (bài 2)

07:17 - Chủ Nhật, 13/10/2024 Lượt xem: 3669 In bài viết

Bài 2: Dành trọn tâm sức dựng xây bản làng

ĐBP - Ở các bản biên giới tỉnh Điện Biên, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) luôn là tấm gương sáng về sự gương mẫu, tiên phong trong phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Bằng nhiều cách làm khác nhau, già làng, trưởng bản, NCUT luôn sẵn sàng cống hiến, không chỉ là điểm tựa vững chắc cho Nhân dân mà họ còn dành trọn tâm sức dựng xây bản làng ngày càng ấm no, phát triển.

Bài 1: Đối đầu, xóa bỏ hủ tục

“Đất vàng” cũng hiến

Cầm trên tay chiếc ô cũ kỹ đã sờn vải, đảng viên Lò Văn Lún (dân tộc Khơ Mú), NCUT bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) tất tả đội mưa đi đón cháu tan học. Ngôi trường nằm trên một mỏm đồi, cách nhà ông Lún chỉ gần 100m. Trên đường đi, ông Lún bảo: “Trước đây ngôi trường này chật chội lắm, lớp học thì xập xệ, con trẻ chẳng có sân để vui chơi nên nhà tôi đã hai lần tự nguyện hiến gần 700m2 đất vườn trồng cây ăn quả cho nhà trường”.

Cuốc bộ chừng 5 phút, chúng tôi đến trường. Ngắm nhìn những đứa trẻ vui đùa, ông Lún không giấu được niềm vui. Ông Lún bộc bạch: “Kể ra thì cũng tiếc lắm chứ!. Để có mảnh đất này, vợ chồng tôi đã phải cật lực khai phá trong nhiều năm, cây bưởi, chuối… đang cho thu hoạch năng suất khá cao. Chỉ mong, trên mảnh đất ấy, sự học của lớp trẻ ngày càng phát triển. Hằng ngày, nghe tiếng trẻ đọc bài, học hát, nhìn chúng đông vui túa ra sân như bầy chim non trên mảnh vườn xưa, tôi thấy lòng mình ấm áp và thanh thản”.

Còn đối với đồng bào dân tộc Dao, bản Huổi Cơ Dạo, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) không ai còn xa lạ với NCUT Chảo Trần Pú. Với quan niệm làm trước, nói sau, làm nhiều hơn nói, ông Pú và gia đình đã tự nguyện hiến 2.070m2 đất để làm đường bê tông. Không chỉ tiên phong hiến đất, ông Pú còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con cùng chung tay, góp sức, ủng hộ ngày công lao động, hiến đất để tuyến đường được rộng mở. Noi gương ông Pú, trong bản đã có rất nhiều người dân tự nguyện nhường đất xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân, điển hình như: Chảo Trần Mình hiến 1.576m2; Lý Nảy Chuân hiến 331m2; Chảo Kiều Dùng hiến 1.512m2

Tôi hỏi ông Pú, hiến đất xong bây giờ có thấy tiếc không? Hướng ánh mắt về phía con đường bê tông phẳng lì. Ông Pú kiên định bảo: “Bây giờ mà Nhà nước cần đất thì mình vẫn hiến tiếp, tất cả vì sự phát triển chung của bản”.

Chúng tôi đã đến rất nhiều nơi trên dải đất cực Tây này, từ các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, thấy ở đó ngoài trực tiếp hiến đất và hoa màu, nhiều già làng, trưởng bản, NCUT còn tích cực vận động Nhân dân chung sức, đồng lòng cùng hiến đất, xây dựng nông thôn mới. Ông Thào A Dế,  Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Với phương châm “mở đường làng, tấc vàng cũng hiến”, đội ngũ già làng, trưởng bản, NCUT đã luôn gương mẫu tự nguyện hiến đất, phá dỡ hàng rào, chặt bỏ cây cối để tiếp sức cho các chương trình, dự án hoàn thành. Bằng uy tín của mình, đội ngũ này còn tuyên truyền, thuyết phục Nhân dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất và ngày công lao động xây dựng nhà văn hóa, trường học, các tuyến đường liên thôn, xã… Góp phần xây dựng huyện Mường Nhé vững về chính trị, ổn định về quốc phòng - an ninh, phát triển về kinh tế - xã hội.

Những triệu phú nơi biên ải

Trong lần công tác tại xã Sen Thượng, tôi có dịp tái ngộ “vua bò” người Hà Nhì Lò Phạ Dèn, già làng, NCUT bản Sen Thượng điển hình trong phát triển kinh tế huyện Mường Nhé. Vẫn rắn rỏi như cây lim, cây táu giữa rừng già của 3 năm về trước, khi tôi cùng ông Dèn vượt suối Mo Phí, vén từng bụi cây để lên trang trại nuôi bò rộng mấy quả đồi nằm nép mình dưới những dãy núi hùng vĩ.

Vừa cho bò ăn, ông Dèn trải lòng: “Mùa đông đang đến gần, để đàn bò khoẻ mạnh, tôi vừa sửa chữa, gia cố lại chuồng trại, mở rộng con đường đất để lên trang trại thuận lợi hơn”. Từ 3 con bò sinh sản ban đầu, ông Dèn đã chú trọng hình thức nhân đàn, luôn giữ lại bò cái để sinh sản. Ngoài đảm bảo nguồn cỏ làm thức ăn, hằng ngày khi chăm sóc cho đàn bò, ông Dèn còn thái cỏ trộn lẫn với cám ngô cho ăn 2 lần sáng và chiều để đàn gia súc phát triển, sinh sản tốt. Trong quá trình chăn nuôi, ông luôn chú ý vệ sinh chuồng trại, lúc nào cũng phải sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông và thường xuyên tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn bò để phòng tránh dịch bệnh. Từ chỗ nuôi bò theo hình thức thả rông, tới nay ông Dèn đã gây dựng trang trại rộng lớn nhất nhì huyện Mường Nhé; có thời điểm tổng đàn bò lên đến hơn 130 con.

Chưa dừng lại ở đó, với lợi thế về đất đai rộng lớn, ông Dèn còn khai hoang trồng 1ha lúa nước, 1ha ngô, nuôi hàng trăm con gia cầm các loại... Đường sá được trải nhựa, bê tông hóa, các thương lái từ khắp nơi về nhà ông Dèn để mua bò, thóc, ngô... Với giá thành 10 - 15 triệu đồng/con bò, bán nông sản, mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Với bà con người Cống (dân tộc thiểu số rất ít người), già làng, đảng viên Nạ Văn Súc, bản Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) như “cây đại thụ”; với chi bộ ông như “ngọn đuốc sống”, bởi hễ chuyện lớn, chuyện nhỏ của bản hay đưa ra những quyết sách quan trọng, ông là nơi để chi bộ tìm về.

Già làng, trưởng bản, NCUT nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất mới để người dân học tập và làm theo.

Pha xong ấm trà, ông Súc kể cho chúng tôi nghe về cái duyên gắn bó với mảnh đất này. Ông Súc bảo: Sau nhiều năm tha phương cầu thực khắp các triền núi cao, người Cống đã quyết định hạ sơn lập bản mới lấy tên là Púng Bon (nay thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên). Về vùng đất mới định cư, nhận thấy nơi đây có đất đai màu mỡ, nên tôi đã tích cực khai khẩn đất hoang; xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi theo mô hình VAC. Đất không phụ lòng người, với sự nỗ lực, kiên trì ông Súc đã có trong tay hơn 5.000m2 lúa nước, hơn 30 con bò, lợn đem lại thu nhập  ổn định trên 150 triệu đồng/năm. Khi đã “no cái bụng, ấm cái mình”, ông Súc tích cực vận động Nhân dân cùng làm theo; trong bản giờ đây nhà nào cũng có của ăn của để, nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi đã xuất hiện, với thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Người thầy đặc biệt

Cơn mưa rừng vẫn còn trắng xóa, khoác vội cái áo sờn vai và chiếc mũ cối, đảng viên Hồ Chử Goằng (dân tộc Hoa), Trưởng bản Đệ Tinh 2 (xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ) phăm phăm bước ngược về phía núi. Thấy tôi hụt hơi theo sau, ông Goằng cười, nói to: “Mưa như này ăn thua gì!. Ngày trước tôi còn đội mưa cả ngày cày ruộng”.

Từ sự nỗ lực, kiên trì bám đất, bám ruộng, sau nhiều năm ông Goằng đã xây dựng được trang trại rộng gần 20ha, nuôi hàng trăm con trâu, bò; khai hoang 4,2ha ruộng bậc thang, đào ao thả cá... trở thành triệu phú của bản với thu nhập khủng trên 300 triệu đồng/năm. Không chỉ sáng về kinh tế, hơn hai thập kỷ được Nhân dân yêu mến, tín nhiệm giữ cương vị trưởng bản, có lẽ ngày 9/5/2024 là ngày đặc biệt nhất trong cuộc đời của lão nông Hồ Chử Goằng. Bởi lẽ, đó là ngày ông đứng trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Gánh trên vai trọng trách vừa là đảng viên, vừa là vị “thuyền trưởng” của bản, ông Goằng luôn tâm niệm giúp đỡ đồng bào cũng là giúp mình. Ông đã trực tiếp xuống với bà con truyền thụ, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi... hỗ trợ kinh phí để phát triển kinh tế, tạo sinh kế ổn định, lâu dài.

Trưởng bản Hồ Chử Goằng tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ nghề thêu truyền thống.

Sau gần 30 phút cuốc bộ theo con đường mòn, chúng tôi cũng đặt chân đến khu chăn nuôi của anh Hồ Chính Hủy, bản Đệ Tinh 2 (xã Phìn Hồ). Đón chúng tôi, anh Hủy vui vẻ, chào ông Goằng bằng “thầy”. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Hủy liền chỉ tay về khu chuồng trai kiên cố, sạch sẽ và bảo: “Nhờ thầy Goằng hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc đàn trâu, ngựa mà mình gây dựng được khu chăn nuôi này đấy!. Hễ trâu, ngựa bị bệnh hay có vấn đề gì là mình liền gọi ngay cho thầy Goằng nhờ tư vấn, bày cách chữa trị”.

Với sự giúp đỡ của thầy Goằng anh Hủy đã có trong tay 4 con trâu, 13 con ngựa, hàng chục con gia cầm các loại... Nhờ đó, mà năm 2017 anh đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trò chuyện vài câu là ông Goằng lại quay ra căn dặn anh Hủy: “Chuẩn bị bước vào mùa đông rồi, thời tiết vùng biên giới diễn biến phức tạp, có lúc lạnh 3 - 4oC nên phải làm lại chuồng, che chắn cẩn thận cho đàn gia súc. Chứ để trâu, ngựa nhiễm lạnh là có thể mất cả cơ nghiệp”. Từ những hành động ý nghĩa, sự ân cần, luôn tận tâm vì cộng đồng, tôi mới hiểu vì sao anh Hủy và nhiều hộ dân luôn trân trọng, quý mến và gọi ông Goằng với cái tên thân thuộc “người thầy” đặc biệt của dân bản.

Dù có xuất thân, hoàn cảnh, thành phần dân tộc khác nhau, nhưng những câu chuyện được tôi góp nhặt ở các bản biên giới xa xôi, nơi “thâm sơn cùng cốc” lại có chung “mạch nguồn” về tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dành trọn tâm sức dựng xây bản mường của đội ngũ già làng, trưởng bản, NCUT nơi biên thùy.

Bài 3: “Cột mốc” nơi cực Tây Tổ quốc

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top