Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Những điểm tựa của bản làng biên giới Điện Biên (bài 3)

09:16 - Thứ Hai, 14/10/2024 Lượt xem: 4183 In bài viết

Bài 3: “Cột mốc” nơi cực Tây Tổ quốc

ĐBP - Điện Biên có đường biên giới quốc gia dài 455,573km với 2 tuyến biên giới (Việt Nam - Trung Quốc dài 40,861km; Việt Nam - Lào dài 414,712km) phần lớn nằm dọc theo các dãy núi cao, khu rừng già hiểm trở. Không quản ngại nắng mưa, cùng với lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) và Nhân dân ở các bản biên giới đã tình nguyện bảo vệ, trông coi mốc giới suốt những năm qua. Họ được ví như những “cột mốc sống” nơi cực Tây Tổ quốc.

Bài 1: Đối đầu, xóa bỏ hủ tục

Bài 2: Dành trọn tâm sức dựng xây bản làng

Người gác đất ở biên ải

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2/1979) xã Xính Phình (nay là xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) dù bị tàn phá nặng nề nhưng người Hà Nhì nơi đây vẫn luôn kiên cường bám bản, sát cánh cùng lực lượng công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Trong chuyến hành trình về với mảnh đất, nơi “mặt trời đi ngủ muộn nhất” trên dải đất hình chữ S. Chúng tôi được gặp, trò chuyện với già làng, đảng viên Lỳ Xuyến Phù, bản A Pa Chải - người đã “vào sinh ra tử” cùng với bộ đội bảo vệ mảnh đất biên cương. Ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng khi vừa tròn 19 tuổi. Giờ đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng già Phù vẫn rắn rỏi như cây thông giữa rừng già. Tiếng nói sang sảng, chắc nịch, già Phù nhớ lại: “Năm 1979, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới, khi ấy tôi là xã đội trưởng, đã cùng với Nhân dân tham gia vận chuyển súng, đạn, gạo... phục vụ chiến đấu. Trực tiếp chỉ huy gần 60 dân quân Sín Thầu cầm súng ra chiến trường, phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng chiến đấu quyết liệt tại điểm cao 1296 (bản A Pa Chải) và các chốt biên phòng, ngăn chặn không để quân địch lấn sâu vào biên giới của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc bản mường, đường biên, cột mốc”.

Hơn 4 thập kỷ đã qua, cái chân đã quen dốc mến đèo, đã thuộc rừng, bén suối nên không kể ngày nắng hay mưa, già Phù vẫn cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải miệt mài tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Già Phù bộc bạch: Không lên là nhớ cột mốc lắm. Tôi coi cột mốc như người bạn “tri kỷ” của mình. Mỗi lần lên đó tôi phát quang cỏ dại che khuất, kiểm tra cột mốc có còn nguyên vẹn không. Quanh mốc giới không có nước, tôi phải chặt cây chuối, lấy bẹ chuối để lau dọn quanh cột mốc. Lên đó, đứng nghiêm trang giơ tay chào cột mốc, tôi thấy rất tự hào. Sau những chuyến đi, già Phù còn tích cực đến từng gia đình trong bản tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc, kiên quyết đấu tranh với mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền biên giới, vượt biên trái phép, đốt rừng, làm nương.

Với những đóng góp của mình, ông Lỳ Xuyến Phù nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành.

Noi gương già Phù, cộng đồng người Hà Nhì từ các bản Tá Miếu, Tả Kố Khừ, Tả Kố Ky, Tả Sú Lình… đã phát huy tinh thần cộng đồng, trách nhiệm luôn là “tai”, là “mắt” của Bộ đội Biên phòng; không tin, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, dụ dỗ lôi kéo vượt biên trái phép… Khi phát hiện những biểu hiện vi phạm pháp luật, bà con đều báo cáo lực lượng chức năng, chính quyền xã để xử lý kịp thời, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Hiện già Phù đã trực tiếp vận động 7 hộ (40 người) đăng ký tự quản 19,5km đường biên với 8 mốc quốc giới. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, gương mẫu trong bảo vệ đường biên cột mốc, như các ông: Mạ Gió Tư, bản Tá Miếu; Lỳ Go Sàng, bản Tả Kố Ky; Chảo Chố Phạ, bản Tả Sú Lình…

Đồn Biên phòng A Pa Chải được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới dài 40,5km và 16 cột mốc. Trên đường tuần tra, Trung tá Đoàn Thanh Tuấn, Chính trị viên chia sẻ: Mỗi chuyến đi tuần tra mà có già Phù anh em biên phòng yên tâm lắm! Bởi già không chỉ thông thuộc đường lên mốc mà còn hỗ trợ anh em biên phòng rất nhiều khi tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật bằng tiếng Hà Nhì đến bà con Nhân dân. Hiếm có nơi nào như Sín Thầu, mỗi người dân trở thành một chiến sĩ, kiên cường bám bản, giữ đất, tạo thành “thế trận biên phòng toàn dân” vững chắc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Giữ rừng biên cương

Thời gian gần đây, tại các khu rừng giáp biên giới trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tình trạng phá rừng làm nương, cháy rừng diễn ra phức tạp, để lại nhiều hậu quả khôn lường. Trước tình hình đó, tại cuộc họp chi bộ, Trưởng bản Cấu, xã Chà Nưa Lèng Văn Sun đưa ra ý kiến, để giữ lấy sắc xanh đại ngàn cần huy động người dân tham gia mở đường tuần tra, bảo vệ rừng.

Lắng nghe đầy đủ nội dung cuộc họp, già làng Tao Văn Vin (dân tộc Thái), đảng viên, NCUT kỳ cựu của bản phát biểu: “Các đảng viên phải tiên phong, gương mẫu đi đầu, hoàn thành công việc chung của bản”. Lời gợi nhắc của già Vin nhanh chóng được tiếp thu. Ngày hôm sau, từ tờ mờ sáng, già Vin và 33 đảng viên và hơn 100 người dân, từ già tới trẻ đã chuẩn bị cơm nắm, muối rang, đồng lòng, quyết tâm phá đá, mở tuyến đường đất độc đạo xuyên qua núi, khe và những con dốc dựng đứng để tuần tra, bảo vệ rừng. Con đường dài khoảng 8km từ trung tâm bản vào tận rừng sâu. Để không làm ảnh hưởng đến thảm thực vật, cây rừng, tất cả đều được người dân làm thủ công; họ chia thành nhóm nhỏ, “ai có cuốc dùng cuốc, ai có xẻng dùng xẻng…”, cùng nhau vượt nắng thắng mưa, gánh đá, gạt đất tạo nền đường phẳng phiu. Mỗi năm hai lần bản tự họp, thống nhất, tổ chức tu sửa, dọn dẹp vệ sinh, phát cỏ dọc tuyến đường tuần tra, bảo vệ rừng.

Dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng già Vin vẫn rất rắn rỏi, khỏe khoắn, giọng nói hào sảng đúng chất người xứ núi. Vừa san gạt đất, vừa trò chuyện, già Vin nói: “Ở đây rừng và người nương tựa vào nhau, giữ rừng cũng chính là giữ cho đường biên, cột mốc luôn bình yên. Rừng chính là “báu vật” là “mạch nguồn sống” mà thiên nhiên ban tặng, nuôi dưỡng biết bao thế hệ người Chà Nưa trưởng thành”.

Ðể bảo vệ, chăm sóc rừng, dưới sự chủ trì của trưởng bản, đảng viên và NCUT, dân bản Cấu đã họp bàn, thống nhất chia rừng thành từng khu, sau đó giao cho mỗi gia đình quản lý. Rừng thuộc sự quản lý của gia đình nào thì gia đình đó phải chăm sóc, bảo vệ, được lấy củi khô để làm chất đốt nhưng không tùy tiện, khai thác bừa bãi; tận dụng đất đai phì nhiêu trồng cây sa nhân dưới tán cây to mà không được làm ảnh hưởng tới rừng... Nhà nào vi phạm quy định của bản thì tùy theo mức độ sẽ bị phạt; nhẹ bị phạt bằng tiền, nặng thì bản không chia rừng để trông coi nữa.

“Quy định là như thế, nhưng nhiều năm nay bản chẳng phạt nhà nào, vì… có ai vi phạm đâu” - Trưởng bản Lèng Văn Sun nói. Trong khi nhiều xã, đặc biệt là các xã biên giới thuộc huyện Nậm Pồ phải chật vật với công cuộc trồng và giữ rừng thì “lá phổi xanh” của người Thái trắng ở bản Cấu vẫn quanh năm xanh tốt, đem lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân.

“Với tỷ lệ che phủ rừng đạt 63,27%, xã biên giới Chà Nưa tự hào là một trong những xã đứng tốp đầu về bảo vệ, phát triển rừng của huyện Nậm Pồ. Những kết quả đó đã minh chứng “yêu rừng, giữ rừng - rừng không phụ”. Những cánh rừng xanh thẳm đã trả ơn người “gác” bằng lớp đất màu mỡ, nguồn nước xanh trong…; góp phần mở ra cánh cửa để Nhân dân phát triển kinh tế, đưa Chà Nưa trở thành xã đầu tiên cán đích nông thôn mới của huyện Nậm Pồ, hoàn thành trước 2 năm so với Nghị quyết đề ra” - ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa phấn khởi cho hay.

Quả thật, có đứng ở nơi mà chỉ cần một bước chân đã sang đến quốc gia khác, người ta mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của hình ảnh lá cờ Tổ quốc và hai tiếng chủ quyền thiêng liêng. Ở nơi đó, những “cột mốc sống” vẫn kiên cường, vững chãi hằng ngày, hằng giờ giữ rừng, giữ từng tấc đất quê hương.

Bài 4: Niềm tin dâng Đảng

 

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top