Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Trở về với ánh sáng (bài 3)

10:28 - Thứ Tư, 16/10/2024 Lượt xem: 3767 In bài viết

Bài 3: Cuộc chiến không khoan nhượng

ĐBP - Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động, để loại bỏ hoàn toàn tà đạo ra khỏi địa bàn cần phải có những hình thức xử lý nghiêm khắc với những đối tượng cầm đầu hoặc những kẻ ngoan cố. Với vai trò là lực lượng chuyên trách, chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng, công an, bộ đội biên phòng đã bám bản, bám địa bàn, bám đối tượng, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, không để “mầm mống tà đạo” lây lan, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Bài 1: Hệ lụy từ sự mê muội, cả tin

Bài 2: Ngăn chặn “sóng ngầm” tà đạo

Từ đấu tranh tư tưởng…

Từng có 14 năm công tác tại các đồn biên phòng ở Nậm Pồ (Phìn Hồ cũ, Na Cô Sa), trong đó hơn 9 năm “cắm xã” với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy xã, Thiếu tá Giàng A Ngọc, hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Mường Nhé (huyện Mường Nhé) không quên những thử thách đặt lên vai và cả những khó khăn, vất vả khi cùng với các lực lượng ngày đêm nỗ lực xóa bỏ tà đạo ở Na Cô Sa.

Thời điểm tà đạo ở Nậm Pồ diễn biến phức tạp, Na Cô Sa nổi lên như một điểm nóng về hoạt động tà đạo. Toàn xã có hơn 60 hộ với trên 350 khẩu bị ảnh hưởng bởi tà đạo “Giê Sùa”. Ở bản Huổi Thủng 2 có 2 nhóm Cơ đốc phục lâm nguyên là các hộ theo tà đạo “Giê Sùa” còn có hành vi chống đối lại chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, như: Không cho con đi học, không tiêm vắc xin, không cung cấp thông tin rà soát hộ nghèo… Việc triển khai các nội dung nghị quyết, chương trình, kế hoạch của xã, huyện, thậm chí của tỉnh xuất hiện những khó khăn, vướng mắc không đáng có. Chính quyền cơ sở lúng túng, cán bộ thực thi nhiệm vụ mệt mỏi, doanh nghiệp thi công dự án bức xúc... là những vấn đề khiến cấp ủy huyện Nậm Pồ khẩn trương vào cuộc, bàn thảo giải pháp tháo gỡ.

Nhớ lại khoảng thời gian tà đạo len lỏi ở nhiều điểm nhóm tôn giáo trên địa bàn xã Na Cô Sa, Thiếu tá Ngọc chia sẻ: Có lần, Đồn Biên phòng Na Cô Sa kết nối với nhà hảo tâm tổ chức trao quà hỗ trợ cho người dân trên địa bàn, nhiều hộ dân đã truyền tai nhau không nhận quà. Trước tình huống như vậy, tôi cùng với cán bộ chiến sĩ đã kết hợp với chính quyền xã, người có uy tín của bản đến từng hộ gia đình. Trước hết là trao từng phần quà đến tận tay người dân, tiếp nữa là kết hợp tuyên truyền, vận động để bà con nhận thức đúng về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, không nghe theo các luận điệu xấu.

Lực lượng công an, biên phòng phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền vượt núi, băng rừng về những bản có tà đạo.

Cũng theo Thiếu tá Ngọc, công tác tuyên truyền người dân không tin, không nghe theo tà đạo “Giê Sùa” không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai, mà kéo dài nhiều tháng liền. Ngày nào lực lượng công an, biên phòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tới các hộ theo tà đạo vận động. Ban đầu, có người rất khó chịu, lì lợm, không hợp tác, thậm chí lấy nhiều lý do không cho đoàn công tác vào nhà. Có những hôm, đoàn phải lên tận nương để tìm họ. Khi gặp được thì họ dùng nhiều lời lẽ khó nghe, chửi rủa, xúc phạm. Vất vả là thế, nhưng công tác tuyên truyền, vận động vẫn được triển khai từng ngày, từng giờ, ở mọi lúc, mọi nơi. Từ câu chuyện bên bếp lửa, những buổi cùng lao động sản xuất, những lời tuyên truyền, giải thích của cán bộ đã được đồng bào lắng nghe, dần hiểu và tin tưởng.

Với vai trò là “lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới”, xuyên suốt hành trình xóa bỏ tà đạo ở Na Cô Sa, một trong những nội dung quan tâm hàng đầu của Đồn Biên phòng Na Cô Sa là thực hiện tốt việc xây dựng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách các tổ, đội công tác vận động quần chúng, cán bộ tăng cường xã.

Trung tá Vũ Văn Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Cô Sa cho biết: Lực lượng chuyên trách làm công tác vận động quần chúng, tăng cường xã của đơn vị được biên chế 4 đồng chí (3 đồng chí vận động quần chúng và 1 đồng chí quân nhân chuyên nghiệp tăng cường xã). Ở Na Cô Sa có đến hơn 95% là người dân tộc Mông nên các đồng chí tham gia vào lực lượng này nếu không phải là người Mông thì cũng là người nói thành thạo tiếng dân tộc này. Đồng thời là những người hiểu rõ phong tục, tập quán của nhân dân; có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, nhất là trong vùng đồng bào có đạo.

Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019, các đợt cao điểm, chiến dịch tuyên truyền, vận động số tín đồ theo tà đạo ký cam kết từ bỏ, chuyển sang sinh hoạt tại các tôn giáo chính thống đã được Đồn Biên phòng Na Cô Sa tích cực phối hợp tổ chức. Theo đó, hơn 50 buổi tuyên truyền đặc biệt đã được triển khai cho gần 250 người là các tín đồ theo tà đạo đến nghe, để các tín đồ hiểu rõ âm mưu hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch và phần tử xấu.

… đến mạnh tay xử lý những đối tượng cầm đầu

Tháng 3/2018, Đại úy Hạng A Tụa, Trưởng Công an xã Vàng Đán (khi ấy đang là cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Nậm Pồ) cùng với Tổ công tác của Công an huyện Nậm Pồ được tăng cường về xã Na Cô Sa với nhiệm vụ phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh chống các hoạt động của tà đạo “Giê Sùa”. Ròng rã hơn 1 năm trời bám địa bàn, Tổ công tác đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn việc người dân bị tác động, lôi kéo...

Đối tượng Hờ A Lềnh viết tường trình tại cơ quan công an.

Đại úy Hạng A Tụa chia sẻ: Nhiều lần, Tổ công tác phối hợp đi tuyên truyền ở các bản có người theo tà đạo, một số đối tượng quá khích đã có hành vi chửi bới, lăng mạ cán bộ và giật, xé biên bản do đoàn công tác lập, thể hiện thái độ thách thức chính quyền, chống người thi hành công vụ, sẵn sàng “tử vì đạo”.

Trước những diễn biến phức tạp của tà đạo, Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ đã chỉ đạo Công an huyện, một mặt tiếp tục làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động, mặt khác thực hiện tốt công tác nắm tình hình, đấu tranh, bóc gỡ, vô hiệu hóa số đối tượng cầm đầu, cộm cán; củng cố tài liệu, chứng cứ, xử lý các đối tượng quá khích, ngoan cố, chống đối theo quy định của pháp luật.

Lực lượng Công an huyện Nậm Pồ phổ biến pháp luật cho người dân, nhằm ngăn chặn hoạt động truyền đạo trái pháp luật.

Với cách làm trên, Công an huyện đã phối hợp với các lực lượng liên quan triệu tập, đấu tranh khai thác và răn đe, giáo dục đối với 12 đối tượng cầm đầu tại các điểm nhóm; củng cố tài liệu chứng cứ xử lý hành chính đối với 3 đối tượng tại điểm nhóm Huổi Thủng 2 do Hờ A Lềnh làm trưởng nhóm về hành vi chống người thi hành công vụ bằng hình thức phạt tiền; lập hồ sơ đưa 1 đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Đối với tà đạo “Bà Cô Dợ”, Công an huyện đã phối hợp với Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh) cùng cấp ủy, chính quyền 2 xã: Nậm Tin, Nậm Nhừ tiến hành triệu tập, đấu tranh khai thác đối với 5 đối tượng, đồng thời đưa 4 đối tượng ra kiểm điểm, giáo dục trước dân.

Theo Thượng tá, Trưởng Công an huyện Nậm Pồ Vàng A Chính, kinh nghiệm trong tuyên truyền, đấu tranh với tà đạo của các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện là cần phân biệt rõ từng đối tượng, tránh đánh đồng những kẻ cầm đầu với những người dân nhẹ dạ, cả tin, bị lôi kéo, kích động, từ đó có biện pháp cho phù hợp. Đối với những người do bị lôi kéo hoặc vì những lý do khác mà đi theo tà đạo thì phải kiên trì giáo dục, thuyết phục để họ hiểu rõ bản chất xấu xa và tác hại khi tham gia vào tà đạo này. Cùng với đó, cần tạo điều kiện giúp đỡ để những người nhẹ dạ, cả tin theo tà đạo sớm trở lại với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật. Qua tuyên truyền làm cho bà con nhận thức rõ với bản chất nhân đạo, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thực hiện chính sách khoan hồng đối với những ai biết ăn năn, hối cải, nhận ra lỗi lầm và có quyết tâm sửa chữa. Đối với những kẻ cầm đầu, cố tình vi phạm, chống đối chính quyền, gây rối an ninh trật tự cần phải truy bắt, khởi tố đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Theo thống kê, đến hết tháng 11/2023 trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã xóa thành công 100% số hộ, nhân khẩu theo tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã quan tâm, hướng dẫn để các hộ từng theo tà đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật; đến nay toàn huyện có 97/107 điểm nhóm được cấp Giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Bài 4: Sống tốt đời, đẹp đạo dưới cờ Đảng

Bài, ảnh: Sầm Phúc - Thu Hằng - Hà Khánh
Bình luận

Tin khác

Back To Top