Ý kiến tâm huyết tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, giai đoạn 2024-2029

16:01 - Thứ Năm, 17/10/2024 Lượt xem: 2253 In bài viết

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, giai đoạn 2024-2029 là mốc quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chuẩn bị các điều kiện để Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, quyết định những vấn đề hệ trọng, mang tầm chiến lược, có tính lịch sử, xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Tại đại hội có nhiều ý kiến tâm huyết tâm huyết, phản ánh xác đáng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; cùng nhau bàn bạc thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, hiến kế nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, khả thi, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đại hội đề ra. Báo Điện Biên Phủ điện tử trích đăng một số ý kiến tham gia tại đại hội.

Đồng chí NGUYỄN LAN HƯƠNG, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam Thành phố Hà Nội: 

Phát huy vai trò nòng cốt trong vận động nhân dân tham gia đảm bảo an sinh xã hội

Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm khối đại đoàn kết, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, góp của, góp sức chăm lo, thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên địa bàn cả nước, góp phần cùng Đảng và Nhà nước từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội.

Với sự linh hoạt, kịp thời trong vận động các nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội, các hoạt động của MTTQ các cấp TP Hà Nội đã tạo sức lan tỏa, thu hút được sự tham gia của cả cộng đồng, đạt nhiều kết quả tích cực, tiêu biểu như: Tuyên truyền vận động nhân dân chủ động phòng, chống và chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng giá trị trên 1.300 tỷ đồng; vận động nhân dân ủng hộ các loại quỹ như: Quỹ “Cứu trợ”, Quỹ “Vì biển đảo Việt Nam”, Quỹ “Vì người nghèo”, Chương trình “Sóng và máy tính cho em”… tổng 780 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 5.100 Nhà Đại đoàn kết, cùng nhiều phương tiện lao động, sản xuất, học tập trị giá trên 341 tỷ đồng…

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024), UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã phối hợp triển khai hỗ trợ 724 nhà ở cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở xuống cấp trên địa bàn với tổng số tiền gần 62 tỷ đồng. Những kết quả đạt được đã góp phần tạo thêm nguồn lực cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện mục tiêu giảm nghèo của TP Hà Nội từ 0,42% cuối năm 2019 giảm xuống còn 0,03% cuối năm 2023.

Để thực hiện có hiệu quả việc vận động các nguồn lực đảm bảo cho công tác an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện; tích cực, chủ động làm cầu nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, đột phá vào những khó khăn, hạn chế còn tồn tại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thực hiện công tác an sinh xã hội, đảm bảo công tác quản lý và sử dụng các loại Quỹ đạt hiệu quả, kịp thời, công tác chi hỗ trợ đảm bảo minh bạch, đúng nội dung, mục đích, đối tượng theo Quy chế, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

-----------------

Đồng chí NGUYỄN PHƯỚC LỘC, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh:

Tập hợp sức dân, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh

Vào giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm, Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, những vấn đề xã hội đặt ra chưa có tiền lệ, đặc biệt khi thực hiện chủ trương về giãn cách xã hội. Trong hoàn cảnh ấy, MTTQ các cấp Thành phố đã phát huy sức mạnh đoàn kết, huy động mọi nguồn lực xã hội, cùng với Chính quyền Thành phố triển khai các chính sách an sinh xã hội kịp thời, sáng tạo giúp Thành phố vững vàng vượt qua đại dịch.

Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 (gọi tắt là Trung tâm an sinh Thành phố), là đơn vị trực thuộc Ủy ban MTTQ Thành phố đã kêu gọi, tiếp nhận hơn 267 tỷ đồng tiền ủng hộ, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 của các cơ quan, đơn vị, tỉnh thành, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và phân phối đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, 22 quận huyện, thành phố Thủ Đức, các bếp ăn từ thiện, các cơ sở dân tộc tôn giáo, các khu phong tỏa, các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Vận động Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 hơn 958 tỷ đồng; tiếp nhận ủng hộ hàng hóa, kinh phí mua vắc-xin hơn 675 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã phối hợp với các địa phương kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo cùng đồng hành tham gia hỗ trợ cho 160 bếp ăn thiện nguyện tham gia phục vụ hơn 59.000 suất ăn hằng ngày cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; hỗ trợ người yếu thế, cơ nhỡ và người khó khăn tại các địa phương; hỗ trợ ngành y tế, các bệnh viện trong điều trị bệnh nhân Covid-19 với 10 đợt xuất quân và tổng số 678 tình nguyện viên các tôn giáo tham gia quét, dọn, vệ sinh khuôn viên bệnh viện, chăm sóc việc ăn, uống, vệ sinh cho bệnh nhân, hậu cần, dinh dưỡng tại các bệnh viện.

Trải qua thời điểm cam go nhất của dịch Covid-19, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát huy rõ hơn vai trò tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vai trò chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố trong thực hiện công tác an sinh xã hội.

--------------

Ông HOÀNG ĐÌNH THẮNG, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam ở châu Âu, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt hội nhập, phát triển và nâng cao vị thế ở nước sở tại cũng như ở châu lục

Trong những năm vừa qua, bám sát định hướng hoạt động của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, sự hướng dẫn, chỉ đạo của MTTQ Việt Nam và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước châu Âu, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động cộng đồng với quy mô khu vực châu Âu, nổi bật là: Hỗ trợ các cơ quan truyền thông trong nước (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Quốc hội, Đài Truyền hình Hà Nội...) sang châu Âu tìm kiếm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; làm các phim, phóng sự về cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu; hỗ trợ chương trình triển lãm ảnh, hội thảo với chủ đề “Biển đảo Việt Nam” tại Czech, Ba Lan, Pháp..., góp phần vào nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền Biển đảo của Việt Nam; tài trợ, khuyến khích việc tổ chức dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại các nước châu Âu.

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam ở Châu Âu.

Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu chú trọng làm tốt công tác đối ngoại, có mối liên hệ thường xuyên với một số nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu. Ban chấp hành Liên hiệp hội đã nhiều lần thăm Nghị viện châu Âu tại Brussel (Bỉ) và Strasbourg (Pháp); gặp gỡ, vận động các nghị sĩ ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hội nhập thành công, bền vững tại các nước châu Âu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và quan tâm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu. Ngoài ra, Liên hiệp hội còn vận động bà con đang sinh sống làm việc tại châu Âu hướng về xây dựng quê hương đất nước bằng các đóng góp của các chuyên gia kỹ thuật, công nghệ; các hoạt động thương mại, các dự án đầu tư; đặc biệt là các hoạt động từ thiện do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức trong nước phát động…

Để phát huy được vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu nói riêng tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, dưới góc độ là một Liên hiệp Hội người Việt Nam ở nước ngoài, được tổ chức vận hành và hoạt động theo hình thức của MTTQ Việt Nam, tôi rất mong muốn và tin tưởng rằng đại hội này có sự đổi mới thể hiện qua các văn kiện, đặc biệt là vấn đề nhân sự và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp như sau:

Chọn lựa các Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài phải thực sự là những người có tâm huyết, có tiềm lực và có uy tín với cộng đồng người Việt Nam ở quốc gia sở tại để thể hiện được vai trò của mình trong công cuộc vận động các giai tầng của cộng đồng đóng góp tích cực vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, cần thúc đẩy một số quốc gia (đã có quy định) công nhận cộng đồng người Việt Nam ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với các nước, chính quyền các địa phương nơi có đông người Việt sinh sống để chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt hội nhập, phát triển và nâng cao vị thế ở nước sở tại cũng như ở châu lục.

Tăng cường cung cấp thông tin trong nước ra nước ngoài với các phương thức truyền tải và mô hình tiếp cận mới, phù hợp với cộng đồng, nhất là lớp trẻ thế hệ thứ 2, thế thệ thứ 3, thế hệ thứ 4 của người Việt Nam ở nước ngoài.

Tổ chức các hoạt động kết nối mạng lưới trí thức Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan, địa phương trong nước và có chính sách trọng dụng các nhà khoa học, trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top