Đề xuất bổ sung hơn 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước tại Ngân hàng VCB

16:07 - Thứ Tư, 23/10/2024 Lượt xem: 1159 In bài viết

Chiều 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB để duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại VCB thông qua nguồn cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của VCB và đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam với số tiền 20.695.100.980.000 đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Giao Chính phủ chỉ đạo việc đầu tư, bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn nhà nước cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB vào Nghị quyết kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB là bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật; việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB bằng nguồn cổ tức bằng cổ phiếu, lợi nhuận được chia là bảo đảm cơ sở pháp lý.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị, trường hợp được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB đúng thẩm quyền quyết định, khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, sử dụng vốn một cách hiệu quả; đồng thời, chỉ đạo VCB tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và chiến lược phát triển của ngân hàng, thực sự đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt ngành ngân hàng và cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn sắp tới khi Việt Nam đang tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược và các ngành công nghệ cao.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top