Đề nghị cho phép tổ chức tôn giáo được thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa

16:21 - Thứ Tư, 23/10/2024 Lượt xem: 2387 In bài viết

ĐBP - Đó là đề xuất của Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào chiều nay (23/10).

Thượng toạ Thích Đức Thiện, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để thực hiện hỗ trợ các hoạt động nêu trên là rất cần thiết. Cả nước hiện nay có khoảng hơn 40.000 di tích vật thể các loại, 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu. Đây vừa là niềm tự hào dân tộc, vừa là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

“Trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã luôn chú trọng và có những chính sách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Các địa phương cũng đã dành nguồn lực cho công tác phục hồi, tôn tạo các di tích nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống và phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên thì thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với yêu cầu thực tế” - Thượng toạ Thích Đức Thiện nhận định.

Minh chứng cho nhận định trên, Thượng tọa Thích Đức Thiện dẫn chiếu, hiện nay có rất nhiều di tích, di sản đang bị xuống cấp trầm trọng, đang bị mai một, thất truyền ở một số địa phương vì không có kinh phí tu bổ và duy trì. Một số di tích thực sự “kêu cứu” như di sản Phật viện Đồng Dương ở Quảng Nam có nguồn gốc lịch sử từ thế kỷ thứ 9, đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Không chỉ Phật viện Đồng Dương mà hiện nay còn có rất nhiều các di tích đang ở trong tình trạng như vậy cần sự quan tâm và nguồn lực để khôi phục, tôn tạo nhằm phát huy giá trị lịch sử, phục vụ đời sống.

Từ thực tế tham gia trực tiếp vào việc trùng tu các di tích, Thượng toạ Thích Đức Thiện cho rằng, nếu Quỹ bảo tồn di sản văn hóa phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản Quốc gia, với các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo bảo đảm phục hồi tối đa các giá trị gốc của di tích, thuận lợi trong việc cấp phép xây dựng công trình di tích…và việc quản lý, điều hành, sử dụng, phân phối Quỹ bảo đảm rõ ràng, công khai, minh bạch, chi tiết, cụ thể, tạo niềm tin cho các nhà tài trợ thì sẽ thu hút nguồn lực ủng hộ, đóng góp cho Quỹ. Ngoài ra, Chính phủ cần có những cơ chế đặc thù, có chính sách phù hợp, tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi xứng đáng với tâm huyết, công sức tham gia phục hồi, tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa, có như vậy mới huy động được nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm ở trong nước và nước ngoài đóng góp cho Quỹ. Ở một số quốc gia đã thực thi việc miễn giảm các khoản thuế, phí cho những doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp cho các khoản phục hồi, tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia từ nước ngoài về nước trong chiến lược hồi hương cổ vật.

Về thẩm quyền thành lập Quỹ, dự thảo Luật quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập. Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị cho phép tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận được phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để góp phần tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top