ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và dự thảo Luật Dữ liệu

18:01 - Thứ Năm, 24/10/2024 Lượt xem: 2656 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (24/10), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT)và dự thảo Luật Dữ liệu.

ĐBQH Lò Thị Luyến phát biểu tại phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị quy định BHYT chi trả khi sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ em dưới 6 tuổi nhằm thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó có vấn đề về chăm sóc dinh dưỡng và can thiệp giảm thiểu tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

“Vì người dân, vì những đứa trẻ, với trách nhiệm của ĐBQH, tôi phát biểu với mong muốn nội dung này được nghiên cứu, tiếp thu đưa vào quy định tại Luật BHYT trong lần sửa đổi, bổ sung lnày để trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng có cơ hội được can thiệp, điều trị với cơ hội sống cao hơn” - đại biểu Lò Thị Luyến bày tỏ nguyện vọng. Nội dung này đã được đại biểu Lò Thị Luyến theo đuổi, nêu ý kiến tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 Quốc hội khóa XV khi thảo luận tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhưng chưa được tiếp thu với lý do việc quy định về mức hưởng của BHYT không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

ĐBQH Quàng Thị Nguyệt phát biểu tại phiên thảo luận.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quàng Thị Nguyệt cho biết, Luật BHYT hiện hành quy định cơ quan BHXH có trách nhiệm đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT; đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh, trong khi đây là chức năng nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, hội đồng chuyên môn của ngành Y tế.

“Đây là nguyên nhân chính dẫn đến rất nhiều vướng mắc, bất cập, tồn tại kéo dài nhiều năm giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh, làm chậm tiến độ thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Khi đánh giá tình hình thực hiện Luật BHYT, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đã nêu nhiều vướng mắc phát sinh trong thực hiện công tác giám định BHYT” - đại biểu Quàng Thị Nguyệt khẳng định.

ĐBQH Tạ Thị Yên phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi khái niệm, nội dung giám định BHYT tại khoản 6 Điều 2, khoản 1 Điều 29 Luật BHYT hiện hành vì đây là vấn đề cấp bách, cấp thiết để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT kéo dài nhiều năm qua.

Phát biểu ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị cần làm rõ phạm vi dữ liệu, nhất là dữ liệu liên quan đến cá nhân là công dân được thu thập, xử lý, chia sẻ, khai thác quy định trong luật này nhằm hạn chế việc thu thập dữ liệu dàn trải, thiếu tập trung, giảm hiệu quả của dự án hoặc làm khó cho các lĩnh vực quản lý xã hội và các ngành kinh tế khác. Liên quan đến quy định thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm việc thành lập quỹ này bởi trong thực tế và qua giám sát của Quốc hội năm 2019 cho thấy, việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách còn nhiều hạn chế…

Thượng toạ Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận tổ, Thượng tọa Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá, cơ sở dữ liệu quốc gia hiện nay thiếu sự liên thông giữa cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Dữ liệu bị phân tán, không đồng bộ, trùng lặp, thiếu chính xác. Chưa có tiêu chuẩn chung cho việc thu thập, lưu trữ, bảo mật dữ liệu. Vấn đề quyền riêng tư và an toàn thông tin cá nhân còn nhiều hạn chế. Đại biểu cho rằng, cần xây dựng bộ quy chuẩn để chuẩn hóa dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo tính liên thông, thống nhất. Luật Dữ liệu cần quy định chặt chẽ về thu thập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu và các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư. Sử dụng công nghệ hiện đại trong thu thập, kiểm soát, bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu và cần quy định phân cấp, phân quyền rõ ràng trong việc quản lý, sử dụng dữ liệu.

Đại biểu bày tỏ đồng tình cao với việc thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia để có thể lưu trữ được dữ liệu với quy mô vô cùng lớn. Cần đầu tư hệ thống lưu trữ, nguồn cung cấp năng lượng phù hợp và các biện pháp bảo mật hiệu quả để bảo đảm được yêu cầu về lưu trữ, an ninh, an toàn cho Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top