Bừng sáng làng Mông làm theo lời Bác

06:13 - Thứ Sáu, 01/11/2024 Lượt xem: 2309 In bài viết

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: “Nhân dân là nền tảng, sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh, bảo vệ an ninh, trật tự”, những năm qua, toàn tỉnh Hà Giang đã xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình tiến tiến trong phong trào này. “Làng Mông 3 không, 5 cùng”, thuộc nhóm đạo Tin Lành ở xóm Khau Bung, thôn Thíp, xã Vô Điếm (Bắc Quang) là một điển hình, được Bộ Công an công nhận tiêu biểu toàn quốc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024. Với lẽ sống tốt đời, đẹp đạo, đồng bào dân tộc Mông nơi đây luôn một lòng tin yêu theo Đảng, giữ chặt sợi dây đoàn kết, phấn đấu xây dựng bản làng ngày càng phát triển, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lẽ sống tốt đời, đẹp đạo

Cấp ủy, chính quyền và cán bộ Công an xã Vô Điếm nắm bắt tình hình “Làng Mông 3 không, 5 cùng” tại xóm Khau Bung, thôn Thíp. Ảnh: MỘC LAN

Xóm Khau Bung, thôn Thíp, xã Vô Điếm (Bắc Quang) chủ yếu là người dân tộc Mông từ vùng cao núi đá của 2 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần về định cư từ năm 1984. Hiện nay, xóm Khau Bung có 23 hộ dân. Trong đó, có 19 hộ với 90 khẩu theo đạo Tin Lành (hệ phái phúc âm toàn vẹn) và được Nhà nước công nhận sinh hoạt điểm nhóm đạo từ tháng 7.2020. Dựa vào lực lượng của nhân dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Bắc Quang đã phối hợp với các ngành và cấp ủy, chính quyền xã Vô Điếm xây dựng mô hình “Làng Mông 3 không, 5 cùng” với 3 Tổ tự quản về an ninh trật tự, 9 thành viên tham gia. Mô hình được thực hiện theo tiêu chí “3 không” là không theo các tà đạo, đạo lạ; không vi phạm pháp luật; không đói nghèo, lạc hậu và “5 cùng” là cùng xây dựng hệ thống chính trị; cùng tham gia bảo đảm an ninh trật tự; cùng phát triển kinh tế; cùng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và cùng bảo vệ môi trường. Mô hình được tổ chức họp 1 lần/tháng; sơ kết định kỳ 6 tháng, 1 năm và đánh giá, xếp loại theo quy định.

Trở thành người theo đạo Tin Lành và với trách nhiệm của trưởng điểm nhóm đạo, anh Sùng Seo Dẩu luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc của xóm làng. Anh đã rất tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy ước, hương ước của thôn, xã; duy trì điểm nhóm sinh hoạt đạo theo đúng nền nếp, nội dung, chương trình đăng ký. Ngoài thời gian tham gia sinh hoạt tôn giáo, anh còn tập trung phát triển kinh tế gia đình, khuyên bảo dân làng, người thân, con cháu sống tốt đời, đẹp đạo, chăm chỉ làm ăn, không tham gia các tệ nạn xã hội. Nhờ tinh thần tiên phong của anh Dẩu, bà con dân tộc Mông hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ vững chắc an ninh trật tự ở cơ sở.

Hàng năm, 100% nóc nhà của xóm Khau Bung đều ký cam kết giao ước thi đua xây dựng thôn, gia đình đạt tiêu chuẩn đảm bảo an ninh trật tự. Trong xóm không có trường hợp nào mắc các tệ nạn xã hội, cờ bạc, ma túy, nghiện rượu; không vi phạm Luật giao thông. Các vụ việc nhỏ, mâu thuẫn phát sinh trong gia đình được Tổ tự quản, Tổ hòa giải tham gia giải quyết kịp thời. Bà con theo tín đồ tôn giáo không bị lôi kéo, tác động, ảnh hưởng bởi các tà đạo, đạo lạ bên ngoài. Bên cạnh việc thực hiện các tiêu chí của mô hình “Làng Mông 3 không, 5 cùng”, người dân đang dần xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu. Bây giờ, các thanh niên không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; đám cưới không thách cưới cao; đám tang không tổ chức dài ngày, người chết đưa vào áo quan, không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; người ốm được đi chữa bệnh tại trạm xá hoặc bệnh viện.

Chung sức xây dựng bản làng phát triển

Lãnh đạo xã Vô Điếm kiểm tra mô hình trồng dâu nuôi tằm lấy tơ của gia đình anh Sùng Seo Dẩu, xóm Khau Bung, thôn Thíp.

Năm 2021, cùng thời điểm thành lập mô hình “Làng Mông 3 không, 5 cùng”, xã Vô Điếm tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân để làm đường nông thôn. Khắc sâu 8 lời dạy của Bác Hồ khi lên thăm Hà Giang năm 1961, dù điều kiện khi đó có thể chưa khấm khá như hôm nay, nhưng mỗi hộ dân trong xóm Khau Bung đã tự nguyện đóng góp kinh phí từ 3 - 5 triệu đồng, hiến hàng trăm mét đất và ngày công lao động, làm nên con đường nông thôn mới từ sức dân. Từ ngày có tuyến đường trải thảm bê tông phẳng lì, người dân cũng trở nên năng động phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Lồng ghép các nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, đồng bào dân tộc Mông ở xóm Khau Bung đã được hỗ trợ xây dựng các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi và trồng trọt như: Nuôi cá, gà ri lai, vịt làng, lợn đen, trồng dưa hấu, sắn, vải, nhãn, ổi, trồng dâu nuôi tằm lấy tơ. Theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”, bà con được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc giúp cây, con sinh trưởng, phát triển tốt. Đất không phụ công người, các loại cây đã đơm hoa, kết trái ngọt trên đất Khau Bung. Trong đó, riêng cây dưa hấu trồng 2 vụ/năm đã đem lại cho một số hộ dân thu nhập trên chục triệu đồng. Đầu ra trong chăn nuôi luôn duy trì ổn định.

Hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh xóm Khau Bung, chị Mai Thị Xóa cũng như nhiều người dân vui mừng chia sẻ: “Vụ trồng dưa hấu đầu tiên, gia đình tôi đã thu về được 15 triệu đồng. Do chủ động triển khai vụ Đông sớm, tôi tiếp tục chuẩn bị thu hoạch dưa hấu đợt 2. Trong năm nay, tôi đã nuôi được hơn 700 con gà ri lai, trừ chi phí thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Hiện mô hình nuôi gà ri lai có 10 hộ tham gia vào chuỗi liên kết và được Hợp tác xã rau, quả sơn tại huyện Bắc Quang tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, gia đình tôi cùng 4 hộ khác đang thực hiện thí điểm dự án trồng dâu nuôi tằm lấy tơ theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp tại tỉnh Yên Bái. Những khoảnh đất trống trên nương đồi, giờ đã chuyển sang trồng sắn cao sản. Mỗi hộ dân nằm trong một dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.

Nhờ điều kiện kinh tế đi lên, các gia đình quan tâm, chăm lo hơn đến việc học tập của con em, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, mỗi nếp nhà ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Thấm thía từng lời, từng chữ của Bác: “Đồng bào phải chú ý vệ sinh. Để giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch, có sức khỏe thì lao động sản xuất mới tốt”. Đến nay, xóm Khau Bung có 21/23 hộ đạt tiêu chí “Nhà sạch, vườn đẹp”; 13 hộ xây nhà kiên cố; các gia đình đều có bể chứa nước riêng; đa số các hộ đã mua sắm ti vi, điện thoại và các trang, thiết bị phục vụ sinh hoạt; 6 hộ lắp bóng điện thắp sáng đường làng, ngõ xóm, cổng nhà để phòng ngừa tội phạm; bà con tự phân loại, xử lý rác thải, đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà ở. Đồng bào dân tộc Mông không phát rừng làm nương rẫy, không lạm dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, việc sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường.

Ông Sùng Seo Hòa, xóm Khau Bung, thôn Thíp được cán bộ xã Vô Điếm hướng dẫn kỹ thuật trồng cây dâu tằm. Ảnh: Duy Tuấn.

Đồng chí Đỗ Kiên Chung, Bí thư Đảng ủy xã Vô Điếm cho biết: “Sau gần 4 năm thực hiện mô hình “Làng Mông 3 không, 5 cùng”, đời sống nhân dân trong Khau Bung đang từng ngày khởi sắc. Đặc biệt, thông qua các giải pháp cụ thể, các chương trình mục tiêu, cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo động lực khuyến khích bà con vươn lên trong cuộc sống. Chính vì lẽ đó, những bước chân du canh, du cư chọn được nơi đất lành, hăng say lao động, sản xuất, là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng bào có đạo sống phúc âm trong lòng dân tộc, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Vừa qua, Chi bộ thôn Thíp đã kết nạp được 2 đảng viên là quần chúng ưu tú của xóm Khau Bung vào hàng ngũ của Đảng. Qua đó, góp phần củng cố, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

Điểm sáng nhân rộng

Thượng tá Vũ Hồng Vân, Phó Trưởng Công an huyện Bắc Quang khẳng định: “Làng Mông 3 không, 5 cùng” xóm Khau Bung, thôn Thíp, xã Vô Điếm là mô hình thực sự tiêu biểu, không chỉ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự mà còn gắn với phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Năm 2023, cá nhân anh Sùng Seo Dẩu, Trưởng điểm nhóm đạo Tin Lành được Bộ Công an tặng Bằng khen và được tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức tại tỉnh Sơn La. Đồng thời, mô hình “Làng Mông 3 không, 5 cùng” đã được các cấp từ tỉnh đến cơ sở ghi nhận, biểu dương, khen thưởng và đặc biệt là vừa được Bộ Công an công nhận tiêu biểu toàn quốc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Với sức lan tỏa ấn tượng đó, Công an huyện đã lựa chọn 5 xã, gồm: Bằng Hành, Hữu Sản, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Thượng Bình để nhân rộng mô hình".

Vận dụng những kinh nghiệm, bài học quý trong quá trình tổ chức thực hiện, mô hình có sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị và sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân. Có thể thấy, các mô hình được xây dựng rất đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa bàn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có nhiều điển hình tiên tiến, điểm sáng, gương sáng theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở” đã xuất hiện và trở thành “cánh tay nối dài” giúp cho lực lượng Công an địa phương nắm chắc tình hình cơ sở, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 95 loại mô hình được xây dựng và nhân rộng hơn 1.060 điểm thuộc các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo; phòng, chống tội phạm; quản lý đối tượng; phòng cháy, chữa cháy; trật tự an toàn giao thông được duy trì hoạt động hiệu quả. Ngoài điểm sáng “Làng Mông 3 không, 5 sạch” ở địa bàn huyện Bắc Quang, công an các huyện, thành phố đã duy trì được 5 mô hình “Điểm nhóm đạo Tin Lành kiểu mẫu”. Từ năm 2023 đến nay, nhờ hoạt động của các mô hình tự quản về an ninh trật tự, quần chúng nhân dân đã cung cấp hơn 1.400 tin có giá trị trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Nhiều vụ việc do quần chúng phát hiện được ngăn chặn, xác minh, xử lý kịp thời.

Nhớ lời Bác Hồ căn dặn: “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được. Nhân dân có hàng triệu tai mắt. Nếu công an biết dựa vào nhân dân thì nhân dân sẽ là người giúp việc rất đặc lực của công an”. Công an toàn tỉnh đã và đang khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng ngừa, trấn áp tội phạm, triệt xóa tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển KT - XH, AN - QP nơi biên cương Tổ quốc - Đại tá Dương Thanh Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang nhấn mạnh.

 

Bài, ảnh: MỘC LAN - DUY TUẤN
Bình luận

Tin khác

Back To Top