Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai các dự án

15:09 - Thứ Ba, 05/11/2024 Lượt xem: 1689 In bài viết

Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công.

Sáng 5/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư

Phát biểu thảo luận đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) bày tỏ đặc biệt quan tâm công tác chuẩn bị đầu tư dự án.

Đại biểu chỉ rõ, tại Báo cáo số 652 của Chính phủ đánh giá, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Nguyên nhân chủ yếu do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung thuộc các lĩnh vực: ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, đấu thầu, đầu tư công…

  Đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn)

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định sửa đổi một số Luật liên quan (Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu thầu) để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm nói chung, công tác chuẩn bị đầu tư nói riêng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm một số nội dung.

Cụ thể, đại biểu đề nghị danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án.

Đặc biệt, người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt. Bố trí kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước.

“Việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới” – đại biểu nhấn mạnh.

 Cần sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nêu rõ, trong năm qua, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao hiệu quả, kết quả điều hành kinh tế - xã hội đất nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù lương tăng cao nhưng chỉ số CPI ổn định, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt và hiệu quả. Bên cạnh đó, với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đầu tư công đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận...

Ngoài những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc giải ngân còn chậm. Qua tìm hiểu thực tế, đại biểu chỉ rõ, ngoài những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị "tắc".

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam)  

Đại biểu cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là vấn đề nguyên vật liệu. Trong Luật Đấu thầu quy định nhà thầu khi tham gia đấu thầu chỉ phải đặt cọc 20% giá trị của gói thầu. Tuy nhiên, Nghị định 126 quy định thời gian chậm nhất để hoàn thành nghĩa vụ là 90 ngày nên dẫn tới việc lợi dụng đấu giá lên xong bỏ cọc, sau đó bán tăng giá phần nguyên vật liệu mình đang có để trục lợi.

Bên cạnh đó, đối với những dự án nhỏ thì cát tại chỗ không thiếu nhưng không được cấp phép nên không khai thác được. Vì vậy phải đi sang địa phương khác tìm mua, từ đó cũng khiến giá nguyên vật liệu tăng lên.

“Đây cũng là bất cập cần được gỡ sớm để hoàn thành được kế hoạch đầu tư công trung hạn vào năm 2025” - đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, nguyên nhân sâu xa là do chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa tốt. Do đó, việc chuẩn bị đầu tư các dự án còn kém nên dẫn đến chậm tiến độ.

Đại biểu cho rằng, sang năm 2025, ngoài việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 thì còn phải chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới./.

Theo dangcongsan
Bình luận

Tin khác

Back To Top