Nhân dân các dân tộc đoàn kết, gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng Điện Biên phát triển

08:14 - Thứ Sáu, 08/11/2024 Lượt xem: 1953 In bài viết

Đồng chí  Lê Thành Đô         

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

ĐBP - Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không ngừng được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, giữ vững. Hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo mọi điều kiện cho sự phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô trao đổi, trò chuyện với người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh: Đức Linh

Là tỉnh miền núi, biên giới với 19 dân tộc sinh sống, tỉnh Điện Biên xác định công tác dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng. Những năm qua, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách và chỉ đạo của Trung ương về công tác dân tộc, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch, chương trình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc; huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình, kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trong tỉnh.

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp đã quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách đối với công tác giảm nghèo vùng DTTS. Vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó tiếp tục củng cố vững chắc lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường đồng thuận trong xã hội và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn. Khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của đồng bào. Phát huy vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với nhân dân các dân tộc của già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua được các cấp, các ngành phát động, triển khai thực hiện, góp phần bổ sung nguồn lực xã hội hóa giúp đồng bào các DTTS thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế, xóa nhà tạm, nhà dột nát... Công tác kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc luôn được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp chú trọng thực hiện, qua đó đã kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ trên địa bàn.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, ủng hộ của các Ban, Bộ ngành Trung ương, sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đến nay, tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nghị quyết chuyên đề về: Phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/12/2021 (hoàn thành 23 mục tiêu, chỉ tiêu) và Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/7/2021 (hoàn thành 7 mục tiêu, chỉ tiêu).

Hiện nay, toàn tỉnh có 100% nhà văn hóa cấp huyện, trên 79 nhà văn hóa cấp xã và 54,18% nhà văn hóa cấp thôn, bản, khu dân cư; 12 sân vận động, 29 bể bơi, 59 sân bóng rổ, 123 nhà tập luyện, 124 sân bóng đá, 445 sân bóng chuyền và nhiều thiết chế văn hóa khác; có 20 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: “Nghệ thuật xòe Thái”, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái”; có 35 di tích được xếp hạng 4, trong đó: có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh; có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; có 3 loại hình được bảo tồn; tỷ lệ các dân tộc có giá trị di sản văn hoá được bảo tồn phát huy đạt 63,16%. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có trên địa bàn toàn tỉnh đã bước đầu đáp ứng được một phần nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tham gia hoạt động thể thao của các tầng lớp nhân dân.

Nhân dân bản Món Hà, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) múa hát trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Nguyễn Hưởng (huyện Mường Ảng)

Thông qua việc phát huy tinh thần đoàn kết, giữ gìn, bảo vệ, phát triển các giá trị văn hóa các dân tộc, các lễ hội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đã góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch, từng bước định vị hình ảnh và quảng bá thương hiệu du lịch của tỉnh như: Lễ hội Hoa Ban, lễ hội Hoa Anh Đào, lễ hội Thành Bản phủ, lễ hội Đua thuyền đuôi én; khai thác, phục dựng một số lễ hội truyền thống của các dân tộc như: Lễ cầu mưa, Lễ tra hạt (dân tộc Khơ Mú), Tết té nước (dân tộc Lào), Xên bản (dân tộc Thái), Tết hoa (dân tộc Cống)... Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các DTTS trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng lên; các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS được bảo tồn, phục hồi và phát huy; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; giai đoạn 2024 - 2029 cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới. Xem việc thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể, nhân dân gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng gắn với bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, trên cơ sở phát huy năng lực sở trường của cán bộ, công chức, viên chức.

Triển khai linh hoạt, hiệu quả các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển KT - XH, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị; gắn công tác quy hoạch đô thị với bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị và chỉnh trang đô thị.

Bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện tốt các đề án đã được duyệt về lĩnh vực du lịch, bảo tồn văn hóa, thể thao. Phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Tập trung tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân, đặc biệt là các nghệ nhân, già làng, trưởng bản hiểu được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển KT - XH, từ đó thu hút được sự tham gia chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Xây dựng danh mục di sản văn hóa các dân tộc có khả năng phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc của tỉnh nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản; bên cạnh đó, xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững; góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Điện Biên.

Tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia xây dựng, thực hiện giám sát việc thi hành chính sách, kế hoạch phát triển KT -  XH ở địa phương. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, nhằm tập hợp nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động...

Tiếp tục tăng cường công tác QP - AN, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Gắn công tác an ninh biên giới với an ninh nội địa, an ninh cửa khẩu; xây dựng vùng biên giới hoà bình, đoàn kết, hữu nghị. Ngăn chặn có hiệu quả việc lợi dụng vấn đề dân tộc, lợi dụng vấn đề tôn giáo, truyền đạo trái phép, các hoạt động chống phá cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

Bình luận

Tin khác

Back To Top