“Báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi”

17:22 - Thứ Ba, 12/11/2024 Lượt xem: 1567 In bài viết

ĐBP - Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ngày 12/11, tham gia chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội tràn lan thông tin sai lệch và tin giả. Vậy ngoài việc tăng cường chất lượng đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Theo đại biểu Tạ Thị Yên, kinh tế báo chí là một ngành kinh tế có thể tạo ra lợi nhuận lớn và là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới khi báo chí, truyền thông trở thành một ngành công nghiệp với quy mô sản xuất theo dây chuyền lớn, có sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật cùng các cơ chế, chính sách và điều tiết từ Nhà nước.

Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ quan điểm rằng báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi. Cách đây khá nhiều năm, khi kinh tế thị trường mới ở Việt Nam thì các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo và lúc bấy giờ quảng cáo chỉ có một phương tiện là báo chí. Bộ trưởng cho biết “Lúc đấy báo chí thì ít và chúng ta có một niềm tin là sẽ dựa vào thị trường là chính, các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ, vì khi chúng ta ra tự chủ tài chính thì cơ chế thông thoáng hơn. Hồi đó cũng có một phong trào là báo chí ra tự chủ, tức là không dùng ngân sách nhà nước nữa. Nhưng cũng không ai ngờ mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến. Trong khi đó, các cơ quan báo chí ra đời rất nhiều, đến bây giờ là 880 cơ quan báo chí, số lượng tăng, nguồn thu giảm”.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chuyện chủ động đưa thông tin, có kế hoạch, bộ máy đưa thông tin thì có ngân sách hằng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng ngân sách để đặt hàng báo chí. “Trước đây chúng ta nghĩ việc đó là của báo chí làm, họ lấy tiền đâu ra mình không biết, mình không có ngân sách cho việc đấy. Tôi nghĩ đây cũng là một thay đổi và từ năm ngoái, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách đặt hàng cho báo chí” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Khi sửa đổi Luật Báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng phải có một mục về kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông nhưng kinh doanh để làm báo.

Bộ trưởng nhận định: Bây giờ nếu báo chí cứ chạy theo mạng xã hội, chúng ta sẽ bị đứng ở phía sau. Cách chúng ta khác biệt với mạng xã hội là làm khác mạng xã hội, trở lại với những giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số để chúng ta lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả và từ đó quảng cáo sẽ tăng lên”. Theo Bộ trưởng, trong quy hoạch báo chí có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông. Do đó, khi sửa đổi Luật Báo chí sắp tới trình Quốc hội, Bộ trưởng mong muốn Quốc hội ủng hộ giao cho Chính phủ xây dựng một cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top