ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

16:06 - Thứ Tư, 13/11/2024 Lượt xem: 1856 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (13/11), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tham gia ý kiến, các đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản nhất trí với chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Phát biểu ý kiến, Thượng tọa Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và cho rằng đây là thời điểm chín muồi để triển khai dự án.

Theo đại biểu, rút kinh nghiệm từ dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng về nguồn vốn và công nghệ khi triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tránh việc đội vốn và chậm tiến độ.

Về nguồn vốn, theo tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Dự kiến bố trí nguồn vốn trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để hoàn thành dự án vào năm 2035. Thời gian bố trí vốn trong vòng 12 năm, mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD. Thượng tọa Thích Đức Thiện nhận định, theo tính toán thì chúng ta có đủ nguồn lực nội tại để triển khai dự án này. Ngoài ra, ta cũng không e ngại chuyện vay vốn nước ngoài bởi vì các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia mua trái phiếu Chính phủ ngày một tăng. Chúng ta có thể sử dụng thị trường trái phiếu Chính phủ để thu hút nguồn vốn nước ngoài tập trung cho dự án này.

Về công nghệ, Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh, chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ, tham khảo ý kiến chuyên gia để quyết định lựa chọn công nghệ cho phù hợp. Đại biểu cho rằng, tuy đường sắt tốc độ cao là công nghệ mới, song chúng ta cần đặt niềm tin vào các tập đoàn lớn, doanh nghiệp quốc gia của Việt Nam trong việc nắm bắt, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ. “Cần có cơ chế để các doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam tham gia ngay từ đầu vào dự án này và ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam để tạo nguồn lợi kinh tế cho chính đất nước ta” - Thượng tọa Thích Đức Thiện đề xuất.

Thượng toạ Thích Đức Thiện, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Trao đổi ý kiến của đại biểu Quốc hội trong tổ thảo luận và Thượng tọa Thích Đức Thiện, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, ĐBQH tỉnh chia sẻ, việc triển khai đường sắt tốc độ cao nhận được rất nhiều ý kiến trăn trở, lo lắng về những rủi ro như chậm tiến độ, đội vốn. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, làm rõ nguyên nhân dẫn đến một số dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, trong đó có 3 nguyên nhân chính. Đó là công tác chuẩn bị đầu tư, khâu này rất quan trọng, có tính chất quyết định, tác động lớn tới vấn đề đội vốn, chậm tiến độ nên phải làm thật kỹ, chuẩn chỉ, rõ ràng về hướng tuyến, công nghệ, nguồn vốn. Thứ hai là công tác giải phóng mặt bằng, cần phải chủ động. Tuy nhiên đây là dự án quan trọng quốc gia và Quốc hội đang thảo luận về chủ trương tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nên sẽ thuận lợi. Thứ ba, lựa chọn đối tác, các dự án trước đây chủ yếu chúng ta vay vốn ODA nên bị ràng buộc, không được quyền lựa chọn đối tác triển khai dự án. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến đội giá. Đối với dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, chúng ta sẽ phải lựa chọn được đối tác chất lượng tốt, giá cả hợp lý và buộc phải chuyển giao công nghệ. Việc lựa chọn đối tác triển khai dự án không phụ thuộc vào vay vốn nước ngoài. Nếu có vay nước ngoài, chúng ta chỉ vay khoảng 30% tổng mức đầu tư  và chỉ vay với điều kiện lãi suất phải rẻ hơn vay trong nước và không bị ràng buộc điều kiện về lựa chọn nhà thầu thi công và chuyển giao công nghệ.

Về chuyển giao công nghệ, trước đây chúng ta bị vướng câu chuyện chuyển giao công nghệ đó là không biết chuyển giao cho ai, ai nhận chuyển giao. Trong dự án này chúng ta sẽ chủ động lựa chọn một số doanh nghiệp lớn để chỉ định hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với một số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp tư nhân lớn để khi triển khai chúng ta sẽ chỉ định luôn các doanh nghiệp này là doanh nghiệp quốc gia tham gia vào dự án, tham gia vào liên doanh và nhận chuyển giao công nghệ. Theo Bộ trưởng, đối với công nghệ lõi chúng ta chưa cần thiết, bởi nhu cầu trong nước chỉ có tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, chưa có dự kiến thêm đường sắt tốc độ cao khác nên chưa cần thiết phải nhận chuyển giao công nghệ lõi. Tuy nhiên việc bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp, sản xuất đầu máy, toa xe chúng ta phải làm chủ vì chi phí cho các nội dung này khi đưa vào vận hành khai thác là rất lớn.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top