Chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

21:17 - Thứ Tư, 13/11/2024 Lượt xem: 1878 In bài viết

Các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã  triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc (CSDT), vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giúp bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển khá toàn diện.

Cao Bằng có dân số 547.857 người, chủ yếu là đồng bào DTTS. Phần lớn đồng bào DTTS sinh sống ở các xã vùng sâu, vùng xa, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, trình độ lao động, kỹ thuật chưa cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả các CSDT, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và các dự án hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng, không những ổn định, nâng cao đời sống đồng bào DTTS mà còn góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Để CSDT được thực hiện hiệu quả, tỉnh ban hành nhiều văn bản về thực hiện CSDT và phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 28/5/2003 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 1/2/2007 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy trong thực hiện các CTMTQG; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 9/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025. HĐND tỉnh ban hành trên 20 nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 890/KH-UBND, ngày 15/4/2022 về triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; ban hành trên 18 văn bản quyết định hướng dẫn triển khai CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Đồng chí Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh (thứ 3 từ trái sang) và đoàn công tác trao kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo xã Tự Do (Quảng Hòa).

Bên cạnh việc tiếp tục vận động nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS tại các xã vùng cao, tỉnh lồng ghép nguốn vốn từ các CSDT, các CTMTQG đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Dự án tuyến kết nối thành phố Cao Bằng với cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Sân bay Cao Bằng được bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Từ năm 2019 đến nay, Chương trình 135 tổng số vốn thực hiện 249 tỷ 431 triệu đồng, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 3.851 tỷ 614 triệu đồng, các huyện, Thành phố thực hiện đầu tư 1.618 công trình hạ tầng cơ sở; duy tu, bảo dưỡng 460 công trình; hỗ trợ làm nhà cho 589 hộ nghèo DTTS; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho trên 679 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 15.261 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung 149 công trình; đầu tư 8 dự án quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; thực hiện 650 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế… Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, tỉnh hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.165 hộ, kinh phí hỗ trợ 1 tỷ 826 triệu đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn chuyển đổi ngành nghề cho 116 hộ nghèo DTTS, kinh phí 6 tỷ 476 triệu đồng. 

Quyết định số 2086/QĐ-TTg hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi cho 87 hộ và thực hiện cung cấp giống cây lâm nghiệp (hồi, sở, quế) cho 704 lượt hộ đồng bào dân tộc Lô Lô tại 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm; đầu tư xây dựng 5 dự án hạ tầng cơ sở thiết yếu cho vùng đồng bào DTTS.

Các CTMTQG với tổng số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng giai đoạn 2019 - 2024, triển khai thực hiện 2.171 công trình đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu (giao thông, nước sinh hoạt, mương thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế xã, chợ xã, nhà sinh hoạt cộng đồng xóm ...), hỗ trợ làm nhà, chuyển đổi nghề, đầu tư dự án quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng, dự án hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, ngoại ngữ…

Các chính sách giáo dục, đào tạo đối với học sinh DTTS được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện. Công tác cán bộ, bố trí cán bộ là người DTTS được quan tâm, ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Văn hóa vùng dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy; các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa, nghệ thuật, thể thao khu vực được quan tâm tổ chức. Công tác khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đồng bào DTTS ở các xã đặc biệt khó khăn được các cơ sở y tế duy trì thường xuyên. 

Nông dân xã Vân Trình (Thạch An) phát triển cây bí thơm.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các CSDT trên địa bàn, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng cải thiện, nâng cao. Diện mạo nông thôn miền núi ngày một đổi thay. Đến nay, 98,8% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 83% xóm, bản có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa, bê tông hóa; 85,71 xã đạt tiêu chí quốc gia về  y tế xã; 83% phòng học được kiên cố hóa; 36% trường đạt chuẩn quốc gia; 80% trụ sở xã được xây dựng kiên cố; 60% xã có nhà văn hóa; 97,3% xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; 87% hộ đạt tiêu chuẩn văn hóa; 59% làng, xóm, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa. Trên 95% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 94% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Giảm số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 4%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo 50,9%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 38,8%, 96% hộ DTTS có thẻ bảo hiểm y tế.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các CSDT, các CTMTQG để nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới. Từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới. Tạo điều kiện thuận lợi để các hộ vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục chất lượng cao; nâng cao các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa - xã hội nhằm từng bước phát triển toàn diện, nhanh, bền vững; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Bế Văn Hùng
Bình luận

Tin khác

Back To Top